Chứng khoán Việt Nam 2021: Năm của nhiều kỷ lục vô tiền khoáng hậu

100 ngày giải cứu sàn HOSE: Bệ phóng cho chứng khoán Việt chinh phục những kỷ lục mới

Cuối quý 4/2020, hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) diễn ra tình trạng đơ, nghẽn lệnh, treo lệnh, bảng lệnh hiển thị sai khiến nhà đầu tư không nắm rõ được cung cầu, không thể mua bán được tại nhiều thời điểm. Sự cố kéo dài suốt 6 tháng đầu năm 2021 gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động giao dịch của nhà đầu tư.

Thanh khoản của HoSE thường xuyên duy trì ở khoảng 15.000 - 16.000 tỷ đồng. Các nhà đầu tư chỉ thực hiện được giao dịch trong buổi sáng, vì chỉ khoảng 14 giờ chiều là hệ thống quá tải, không nhận lệnh. Cá biệt nhiều phiên có biến động lớn, hệ thống giao dịch của HOSE đơn nghẽn ngay từ đầu phiên.

Nguyên nhân khiến HOSE bị tắc nghẽn là do lượng gia nhập thị trường ồ ạt từ nhóm các nhà đầu tư mới đẩy thanh khoản thị trường tăng vọt, bình quân 100.000 tài khoản mở mới/tháng, trong khi năng lực xử lý của HOSE lúc đó chỉ ở 900.000 lệnh/phiên.

Tình trạng nghẽn lệnh kéo dài không chỉ ảnh hưởng lớn đến tâm lý, quyền lợi của nhà đầu tư mà còn là đòn giáng đến uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam với giới đầu tư quốc tế.

Đầu tháng 3/2021,Thủ tướng Chính phủ có cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045". Tại đây, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình và nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn SOVICO và Hãng hàng không Vietjet đã đề xuất để doanh nghiệp tư nhân tài trợ kinh phí và tham gia xử lý nghẽn lệnh sàn HOSE.

Chứng khoán Việt Nam 2021: Năm của nhiều kỷ lục vô tiền khoáng hậu - Ảnh 1.

HSX bị nghẽn lệnh gần 6 tháng

Đúng mốc hẹn ba tháng, hệ thống giao dịch mới của HOSE do FPT triển khai chính thức vận hành vào đầu tháng 7 với năng lực xử lý một ngày 3-5 triệu lệnh, gấp hơn 3 lần hệ thống cũ. Hệ thống mới cũng bỏ cơ chế phân bổ số lệnh và có thể chỉnh sửa khi gặp sự cố.

Từ tháng 7 đến nay, hệ thống vận hành trơn tru và ổn định. Đây là món quà lớn với cộng đồng nhà đầu tư. Nhờ nghẽn lệnh được xử lý, thanh khoản được mở bung tạo điều kiện cho dòng tiền ồ ạt vào thị trường, chứng khoán Việt đã liên tiếp lập nhiều kỷ lục ấn tượng năm 2021.

Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam chính thức ra mắt, HOSE và HNX là công ty con

Ngày 11/12, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) chính thức được ra mắt. Quyết định 37/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ, thành lập VNX theo mô hình công ty mẹ - công ty con trên cơ sở sắp xếp lại Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE).

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, VNX ra đời sẽ thống nhất về mô hình tổ chức, cơ chế, chính sách, tư duy phát triển và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường. Đặc biệt, sự ra đời của Sở GDCK Việt Nam sẽ thống nhất các mảng của thị trường hiện còn phân tán, từ đó thu hút tốt hơn dòng vốn đầu tư trong nước và ngoài nước, giúp tăng quy mô, vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam để hội nhập và liên kết quốc tế.

Chứng khoán Việt Nam 2021: Năm của nhiều kỷ lục vô tiền khoáng hậu - Ảnh 2.

VNX đã chính thức được ra mắt tháng 12/2021

Chủ tịch VNX, Nguyễn Thành Long cho hay, VNX sẽ hoạt động dựa trên 4 trụ cột: Cầu bền vững; Cung chất lượng; Định chế trung gian chuyên nghiệp; và Thể chế theo quy luật thị trường và hội nhập quốc tế. Định hướng hoạt động của VNX và các công ty con sẽ có nhiều điểm mới, mang tính đột phá hơn, trong đó điểm nhấn là "trọng cung và trọng cầu", sẽ mang tính thị trường nhiều hơn, bên cạnh các giải pháp khác để hoàn thành nhiệm vụ mà cơ quan quản lý đề ra.

Về kế hoạch trung hạn, VNX đã chỉ đạo HOSE và HNX xây kế hoạch 3 năm, sau đó, VNX cũng sẽ xây dựng kế hoạch trung hạn và chiến lược phát triển dài hạn hơn trong tương lai, tiệm cận gần hơn theo các chiến lược phát triển của các Tập đoàn Sở trên quốc tế.

Về sản phẩm, VNX sẽ xây dựng chiến lược phát triển dài hạn theo hướng chuyên nghiệp hóa theo sản phẩm (cổ phiếu, trái phiếu, phái sinh, startup,…). VNX sẽ tập trung hoàn thiện bộ máy tổ chức tinh gọn, đồng thời chuyên nghiệp hóa chức năng vận hành quản lý thị trường, kết hợp việc áp dụng chuẩn mực quốc tế cao nhất để năng cao sự cạnh tranh cho Sở và cho thị trường chứng khoán Việt Nam Nam nói riêng.

Khối ngoại bán ròng kỷ lục hơn 60.000 tỷ đồng

Từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã bán ròng 61.607 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD) trên toàn thị trường. Đây là con số kỷ lục về lượng bán ròng của nhà đầu tư ngoại từ trước đến nay, gần hơn 4 lần lượng bán ròng của khối ngoại trong cả năm 2020 (15.214 tỷ đồng).

Tính từ thời điểm Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020, giá trị bán ròng của khối ngoại đã lên tới 77.000 tỷ đồng, tương đương 3,3 tỷ USD.

Đà bán ròng của khối ngoại tại thị trường Việt Nam cùng nằm trong xu thế rút ròng của khối ngoại diễn ra khắp các thị trường châu Á như Hàn Quốc: -25,6 tỷ USD, Đài Loan: -18,4 tỷ USD, Thái Lan: -2,3 tỷ USD, Philippines: -1,7 tỷ USD), ngoại trừ thị trường Ấn Độ (+5,5 tỷ USD) và Indonesia (+2,6 tỷ USD).

Các cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất năm nay là HPG của Tập đoàn Hòa Phát, giá trị ghi nhận hơn 18.571 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khối ngoại đã bán ròng mạnh nhất với các cổ phiếu VPB (-9.329 tỷ đồng), VNM (-6.782 tỷ đồng), VIC (-6.355 tỷ đồng), CTG (-5.648 tỷ đồng).

Chứng khoán Việt Nam 2021: Năm của nhiều kỷ lục vô tiền khoáng hậu - Ảnh 3.

Khối ngoại bán ròng kỷ lục năm 2021

Việc bán ròng kỷ lục của khối ngoại có thể đến từ việc bùng nổ nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường, dòng tiền nóng đổ vào khiến nhiều cổ phiếu tăng bằng lần và họ chốt lời. Thứ hai, giấc mơ thị trường nâng hạng từ cận biên sang mới nổi hàng chục năm qua vẫn không trở thành hiện thực, trong khi hiện tại hệ thống giao dịch vẫn chưa đáp ứng đủ tiêu chí để nâng hạng. Rõ ràng thị trường cận biên kém thu hút vốn ngoại so với thị trường mới nổi. Ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital cho rằng, Khi vào thị trường Emerging Markets thì sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng ít nhất 100 lần so với quy mô hiện nay.

Thêm nữa, giữa bối cảnh kinh tế vĩ mô thế giới có nhiều bất ổn, nguy cơ lạm phát, đại địch vẫn tiếp diễn do đó nhà đầu tư ngoại có xu hướng rút tiền, đặc biệt khi chứng khoán đã có định giá không còn rẻ trong ngắn hạn.

Hầu hết các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam thuộc các lĩnh vực tài chính, bất động sản, trong khi những ngành thu hút dòng tiền mạnh của khối ngoại như công nghệ, bán lẻ, y tế, giáo dục trên sàn chứng khoán lại không có nhiều lựa chọn và bị giới hạn sở hữu nước ngoài.

VN-Index chạm mốc 1.500 điểm, thanh khoản, dư nợ margin cao chưa từng có

Sự trỗi dậy của nhóm bất động sản, ngân hàng đã đưa VN-Index có lúc vượt mốc 1.500 điểm trong tháng 11, đây là mức cao kỷ lục trong 21 hoạt động của sàn chứng khoán Việt Nam. Với mức tăng trưởng 34%, VN-Index thậm chí nằm trong top những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất Thế giới.

Vốn hoá của HOSE tính đến ngày 25/11 đã vượt 5,791 triệu tỷ đồng, tương ứng gần 252 tỷ USD. HOSE đã dần lớn mạnh với thanh khoản ổn định trên 30.000 tỷ, mỗi phiên giao dịch hàng tỷ cổ phiếu sánh ngang với các thị trường trong khu vực. Thanh khoản bình quân trên sàn HOSE năm 2021 đạt 21.900 tỷ đồng/phiên, tăng 254% so với năm 2020, nếu so với năm 2019 thì thanh khoản của HOSE còn tăng gấp hơn 5 lần.

Nếu tính chung cả 3 sàn chứng khoán, thanh khoản lập kỷ lục vào phiên 3/11, giá trị khớp lệnh trên 52.000 tỷ đồng. Dòng tiền cuồn cuộn đổ vào thị trường. Những kỷ lục của chứng khoán Việt năm nay đều được thiết lập trong tháng 11.

Chứng khoán Việt Nam 2021: Năm của nhiều kỷ lục vô tiền khoáng hậu - Ảnh 4.

Thanh khoản tăng vọt trên HOSE năm 2021

Sự gia tăng mạnh của thanh khoản thị trường cũng có đóng góp lớn từ dòng tiền margin. Ước tính vào cuối quý 3/2021, dư nợ cho vay trên toàn thị trường (chưa bao gồm cho vay 3 bên) lên tới 155.000 tỷ đồng, con số kỷ lục từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới khi làn sóng nhà đầu tư "F0" ồ ạt vào thị trường cùng việc các CTCK đẩy mạnh tăng vốn.

Làn sóng gia nhập của nhà đầu tư F0 lên cao kỷ lục

Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết trong tháng 11, nhà đầu tư trong nước mở mới 220.817 tài khoản chứng khoán. Đây là con số lớn nhất trong lịch sử 21 năm thành lập thị trường, bỏ xa kỷ lục cũ 140.193 tài khoản được thiết lập vào tháng 6/2021. Đây cũng là tháng thứ 9 liên tiếp số tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước duy trì ở mức trên 100.000 mỗi tháng và là tháng đầu tiên có trên 200.000 tài khoản được mở mới.

Lũy kế 11 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017; 2018; 2019 và 2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản).

Làn sóng gia nhập kỷ lục của nhà đầu tư F0 cùng với lượng tiền lớn đã "cân" hết lượng bàn ròng kỷ lục từ quỹ ngoại, nhà đầu tư tổ chức cùng tự doanh. Nhà đầu tư cá nhân trong nước duy trì trạng thái mua ròng kể từ đầu năm đến nay, tổng cộng hơn 84.000 tỷ đồng (trong 11 tháng năm 2021).

Chứng khoán Việt Nam 2021: Năm của nhiều kỷ lục vô tiền khoáng hậu - Ảnh 5.

Số tài khoản mở mới tăng cao kỷ lục năm 2021

Việc nhà đầu tư nội ồ ạt mở tài khoản chứng khoán thời gian gần đây có nhiều yếu tố, trong đó đáng kể nhất là việc (1) Lãi suất huy động đang ở mức thấp; (2) Kênh trái phiếu doanh nghiệp bị siết lại; (3) Nền kinh tế được kỳ vọng hồi phục mạnh sau đại dịch; (4) Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn so với các quốc gia trong khu vực; (5) Triển vọng nâng hạng thị trường mới nổi trong 2 năm tới; (6) Người dân ít có sự lựa chọn kênh đầu tư và (7) Việc áp dụng eKYC giúp mở tài khoản trở nên thuận tiện hơn.

Vốn hoá thị trường chứng khoán tăng kỷ lục, cán mốc 333 tỷ USD

Theo thống kê, Tính đến 21/12, tổng giá trị vốn hoá của UPCOM đạt 1,414 triệu tỷ đồng, HNX đạt 493.166 tỷ đồng. Vốn hoá của HOSE đạt 5,76 triệu tỷ đồng, tăng 41% so với đầu năm. Tổng vốn hoá 3 sàn đạt 7,66 triệu tỷ đồng, tương ứng 333 tỷ USD.

Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế. Mục tiêu cụ thể là quy mô thị trường cổ phiếu đạt 85% GDP (đã điều chỉnh) vào năm 2025, đạt 110% GDP vào năm 2030. Số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số vào năm 2025 và 8% năm 2030.

Huy động vốn qua thị trường chứng khoán tăng vọt

Trải qua 25 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, phát triển thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế cũng như doanh nghiệp.

Theo ước tính, huy động qua thị trường cổ phiếu năm qua ước đạt gần 80.000 tỷ đồng, gấp 4 lần năm trước và tương đương con số kỷ lục năm 2019. Trong đó, hoạt động phát hành cho cổ đông hiện hữu vào khoảng 46.000 tỷ đồng, mức lớn nhất từ trước tới nay, gáp 4,5 lần năm 2019.

Sự sôi động của thị trường đang giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn từ người dân và thị trường chứng khoán đang ngày càng khẳng định vai trò dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Chứng khoán Việt Nam 2021: Năm của nhiều kỷ lục vô tiền khoáng hậu - Ảnh 6.
 

Tăng mạnh số lượng doanh nghiệp có vốn hoá tỷ USD

Theo dữ liệu của chúng tôi, chốt phiên ngày 21/12, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận 61 doanh nghiệp có vốn hoá vượt 1 tỷ USD. Đây là mức kỷ lục về số lượng doanh nghiệp niêm yết đạt vốn hoá tỷ USD trong 21 năm hoạt động của thị trường chứng khoán.

Đứng đầu về vốn hoá là Vinhomes (374.000 tỷ), Vingroup (373.000 tỷ), Vietcombank (366.000 tỷ đồng), Hoà Phát (206.000 tỷ đồng), Masan (196.000 tỷ đồng), GAS (179.000 tỷ đồng), Vinamilk (178.000 tỷ đồng), Techcombank (176.000 tỷ đồng), BIDV (176.000 tỷ đồng), Tổng công ty Cảng hàng không (176.000 tỷ), Vietinbank (153.000 tỷ đồng), VPBank (150.000 tỷ đồng), GVR (150.000 tỷ đồng).

Bên cạnh những cái tên cũ, nhờ giá cổ phiếu tăng mạnh, câu lạc bộ vốn hoá tỷ đô năm nay ghi nhận nhiều tân minh như Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG, vốn hoá 53.000 tỷ), FOX (24.000 tỷ), GELEX (32.000 tỷ), IDC (24.000 tỷ), KDH (31.800 tỷ), NLG (hơn 24.000 tỷ), Sunshine homes (37.000 tỷ), ThaiHoldings (85.000 tỷ), VGC (25.000 tỷ), KBC (23.000 tỷ)...

Chứng khoán Việt Nam 2021: Năm của nhiều kỷ lục vô tiền khoáng hậu - Ảnh 7.

15 doanh nghiệp có vốn hoá lớn nhất sàn chứng khoán tính đến 21/12

ETF nội khẳng định sức hút

Năm 2014, thị trường chứng khoán Việt Nam ra mắt quỹ ETF nội đầu tiền là VFMVN30 ETF (nay là DCVFM VN30 ETF) và khái niệm ETF với nhà đầu tư khi đó còn khá xa lạ. Nhưng đến nay, số lượng các quỹ ETF nội đã lên tới con số 8. Trong đó, IPAAM VN100 ETF là cái tên mới nhất ra mắt trong năm nay.

Không chỉ tăng về số lượng mà quy mô các quỹ ETF cũng ngày càng tăng trưởng vượt bậc, không thua kém các quỹ ngoại lớn trên thị trường. Trong đó, DCVFM VNDiamond ETF hiện là quỹ lớn nhất với quy mô xấp xỉ 13.500 tỷ đồng, trong khi DCVFM VN30 ETF cũng có quy mô hơn 10.000 tỷ đồng. Với quy mô các quỹ ETF nội hiện lên tới 30.000 tỷ đồng khiến cho hoạt động cơ cấu có tác động không nhỏ tới thị trường.

Cũng trong năm qua, các quỹ ETF nội đã thu hút dòng vốn kỷ lục từ các nhà đầu tư ngoại và góp phần không nhỏ vào đà tăng của thị trường. Theo ước tính của chúng tôi, dòng vốn đổ vào các quỹ ETF nội năm qua lên tới 5.000 tỷ đồng, trong đó DCVFM VNDiamond ETF là quỹ hút vốn mạnh nhất với gần 3.300 tỷ đồng, trong khi SSIAM VNFinLead ETF cũng hút ròng lượng vốn lên tới 1.245 tỷ đồng.

Việc mô phỏng theo các chỉ số lớn, nổi bật như Diamond Index hay VNFinLead Index với cơ cấu danh mục gồm nhiều cổ phiếu chất lượng, "kín room" đã khiến các quỹ ETF nội trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt các nhà đầu tư ngoại.

Phiên giảm 73 điểm kỷ lục trong lịch sử chứng khoán Việt

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc thăng hoa nhưng cũng không kém phần dữ dội với những phiên giảm điểm biên độ lớn. Ngày 28/1, thị trường chứng kiến một phiên giảm điểm kỷ lục khi VN-Index mất 73,23 điểm - mức kỷ lục trong lịch sử chứng khoán Việt Nam. Thanh khoản đạt hơn 767,87 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch đạt 18.395,79 tỷ đồng. Toàn sàn có 20 mã tăng, 12 mã đứng giá và 478 mã giảm giá.

Chỉ số VN30 giảm 72,88 điểm (-6,73%) và xuống mức 1.010,75 điểm. Thanh khoản đạt hơn 313,70 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch 10.688,15 tỷ đồng. 28 cổ phiếu VN30 giảm sàn phiên giao dịch này, nhiều cổ phiếu rơi vào tình trạng trắng bên mua.

Chứng khoán Việt Nam 2021: Năm của nhiều kỷ lục vô tiền khoáng hậu - Ảnh 8.

Phiên giảm điểm kỷ lục của VN-Index ngày 28/1

Thị trường giảm mạnh là do sự "căng cứng" về margin tại nhiều công ty chứng khoán lớn. Đòn bẩy margin cao cũng là nhân tố khiến cho thị trường giảm một cách "khốc liệt" hơn. Đồng thời yếu tố then chốt về tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp lúc đó đã đẩy tâm lý nhà đầu tư hoang mang cực độ.

Theo Bạch Huệ

Nhịp sống Kinh tế

Nguồn: https://cafebiz.vn/chung-khoan-viet-nam-2021-nam-cua-nhieu-ky-luc-vo-tien-khoang-hau-20211222211506226.chn