Sau thời gian tăng trưởng liên tục, từ tháng 4-2022 xuất khẩu gỗ đã chững lại, thậm chí có dấu hiệu tăng trưởng âm.

Xuất khẩu khó khăn đến hết năm

Cụ thể, trong tháng 7 vừa qua, xuất gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,7 tỉ USD. Trong đó, sản phẩm gỗ chế biến sâu có giá trị cao giảm đến 19,2%, đạt 846 triệu USD. Tính chung 7 tháng đầu của năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 9,7 tỉ USD, chỉ tăng nhẹ 1,1% so với cùng kỳ. Nhóm sản phẩm gỗ chiếm tỉ trọng cao nhất, đạt 6,9 tỉ USD nhưng vẫn giảm tới 7,5% so với cùng kỳ.

Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), sở dĩ xuất khẩu của ngành vẫn giữ được tăng trưởng 1,1% trong 7 tháng đầu năm là nhờ vào xuất dăm gỗ và viên nén gỗ sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh. Trong khi xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ, vốn chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất của ngành, lại giảm đến 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 5,6 tỉ USD. Trong đó, riêng tháng 7, giảm mạnh 18,5% khi thu về 685 triệu USD. "Nếu từ nay tới cuối năm không có tiến triển thì đây sẽ là năm ảm đạm nhất của ngành trong vòng 10 năm trở lại đây. Bởi những năm trước, xuất khẩu gỗ đều tăng trưởng 2 con số. Ngay cả năm 2021, dù gặp rất nhiều khó khăn vì dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu gỗ vẫn tăng trưởng hơn 19%" - ông Hoài cho hay.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký HAWA, lý giải nguyên nhân sụt giảm của ngành là do suy thoái kinh tế toàn cầu, xung đột địa chính trị, giá cước vận tải còn quá cao. Những nhà nhập khẩu ở Mỹ có xu hướng chọn những nước xuất khẩu gần để tiết giảm chi phí. Ngoài ra, ngành gỗ còn gặp khó khăn do Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả sơ bộ về gỗ dán của Việt Nam có nguy cơ lẩn tránh thuế, đồng thời khởi xướng điều tra mặt hàng tủ bếp, bàn trang điểm của Việt Nam xuất sang Mỹ vì tình nghi đánh tráo xuất xứ.

Đồ gỗ chuyển hướng về sân nhà - Ảnh 1.

Doanh nghiệp chế biến gỗ tìm kiếm cơ hội bán hàng tại Hội chợ Quốc tế đồ Gỗ và Mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam năm 2022 tại TP HCM. Ảnh: PHƯƠNG AN

Ông Phùng Quốc Mẫn, Phó Chủ tịch HAWA, cho biết: "Thông thường những tháng cuối năm, xuất khẩu gỗ sẽ tăng cao hơn những tháng đầu năm nhờ nhu cầu hoàn thiện nội thất. Tuy nhiên, năm nay do hàng tồn kho ở các nước nhập khẩu còn khá nhiều, các nhà phân phối phải tìm cách để bán hàng ra thị trường thay vì nhập thêm hàng mới. Do đó, tình hình xuất khẩu gỗ những tháng cuối năm vẫn còn khó khăn" - ông Mẫn nêu.

Thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, dù đã vào cuối quý III nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) gỗ đang phải sản xuất cầm chừng vì thiếu đơn hàng, không tiếp cận được khách hàng mới. Một số DN phải cắt giảm thời gian sản xuất, bố trí làm việc luân phiên để bảo đảm thu nhập cơ bản cho người lao động. Ông Trần Văn Quang, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Khánh Xương (Bình Dương), phản ánh đơn hàng xuất khẩu hiện chỉ bằng khoảng 1/5 so với trước đây, tức khoảng 15-20 container/tháng nên buộc công ty phải cắt giảm dần lao động và hiện còn hơn 300 người, bằng khoảng 30% lao động làm việc so với thời điểm trước dịch. Tương tự, Công ty TNHH Gia Nhiên cũng đã cắt giảm khoảng 50% lao động sản xuất và 20% lao động khối văn phòng để ứng phó với tình hình sụt giảm đơn hàng.

Tín hiệu vui từ thị trường trong nước

Trong bối cảnh nhiều thách thức, khả năng thị trường xuất khẩu của ngành gỗ vẫn phải đối mặt với sự sụt giảm trong các tháng cuối năm, các DN thời gian qua đã chủ động ứng dụng số hóa trong hoạt động xúc tiến thị trường, thương mại xuất khẩu. Gần đây, khoảng 200 DN gỗ trong nước đã tham gia Hội chợ Quốc tế đồ gỗ và Mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (VIFA-EXPO 2022) diễn ra ở TP HCM. Tại đây, các DN đã mang đến nhiều sản phẩm mới nhất, từ đồ gỗ, đồ nội ngoại thất, đồ trang trí, thủ công mỹ nghệ, quà tặng, gỗ nguyên liệu, máy móc và phụ kiện… bài trí trong một không gian trưng bày chỉn chu để giới thiệu với các nhà mua hàng trong nước và quốc tế.

Ông Phùng Quốc Mẫn đánh giá các DN đã có sự đầu tư nghiêm túc trong việc phát triển sản phẩm mới, chú trọng trong tổ chức và trưng bày, quảng bá tại hội chợ để chào đón khách hàng đến tham quan và đặt hàng. Theo thông lệ, nửa cuối năm, sản lượng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thường cao hơn so với đầu năm do nhu cầu hoàn thiện, trang trí lại nội thất tăng cao tại nhiều thị trường xuất khẩu chính. Với những nỗ lực lớn, DN xuất khẩu gỗ kỳ vọng sẽ tìm được cơ hội trong thách thức trong các tháng cuối năm. Hiện tại, các DN đang tập trung xúc tiến vào thị trường Nhật, Hàn Quốc, Úc và bắt đầu có đơn hàng ổn định ở phân khúc cao.

Thị trường nội địa cũng đang có chiều hướng tốt, có tín hiệu tích cực khi nhiều công trình như nhà ở, khách sạn, khu nghỉ dưỡng đã xây dựng trở lại để bàn giao đúng cam kết cho nhà đầu tư, kéo theo nhu cầu sử dụng sản phẩm gỗ, cụ thể như gỗ ngoại thất nhiều hơn. Đây là cơ hội cho các DN gỗ chú trọng đến thị trường nội địa nhiều hơn. "Không có thống kê cho thị trường nội địa nhưng nhóm DN làm đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ ngoài trời đang tuyển thêm nhiều lao động, nhà máy làm không hết việc" - ông Nguyễn Chánh Phương thông tin. 

Coi chừng bị điều tra!

VIFOREST khuyến nghị DN gỗ cần đa dạng hóa thị trường, tránh bị lệ thuộc vào một thị trường. Đồng thời, tăng cường hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị sản phẩm, cũng như mở rộng nhiều phân khúc sản phẩm khác nhau. "DN nên hạn chế sản xuất sản phẩm có giá trị thấp, tận dụng nguồn nhân công giá rẻ vì rất dễ bị đưa vào danh sách điều tra chống bán phá giá hay lẩn tránh thuế. Xây dựng thương hiệu riêng, tăng cường quản lý xuất nhập khẩu nhằm tránh bị lợi dụng để né thuế, trốn xuất xứ..." - lãnh đạo hiệp hội lưu ý.

Phương An - Nguyễn Hải