Doanh nghiệp ngành gỗ cần “bệ đỡ” chính sách

Ảnh minh họa
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp đang cố gắng tìm cách duy trì sản xuất, giữ chân lao động có tay nghề và tính toán lại từng công đoạn sản xuất nhằm giảm chi phí.

 Kín đơn hàng, nhưng vẫn lo

Khác với việc thiếu đơn hàng và khá bị động khi dịch bệnh bùng phát trong năm 2021, năm nay, nhu cầu đồ nội thất thế giới tăng đáng kể.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ nội thất đạt 3,94 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều doanh nghiệp không chỉ kín đơn hàng đến quý III/2022, mà còn chốt xong đơn hàng hết năm 2022.

Trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành tổ chức mới đây, bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Công ty đã nhận được đơn đặt hàng xuất khẩu xấp xỉ 9 triệu USD, tương đương 207 tỷ đồng. Trong năm 2022, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 500 tỷ đồng.

Hiện tại, trình độ công nhân ngành gỗ còn thấp, hệ thống công nghiệp hỗ trợ cho ngành gỗ rất yếu. Chúng ta làm sao có hệ thống chính sách hỗ trợ, cơ chế khuyến khích để ngành gỗ phát triển, đi vào quỹ đạo, hiện đại và phù hợp hơn trong tình hình mới

- PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu Công ty có đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ không, đại diện Gỗ Đức Thành cho biết, Công ty vẫn rất dè dặt với thị trường này, vì đây là thị trường rất cạnh tranh. Mặt khác, khi đơn hàng lớn đã ký, thì không thay đổi được giá bán, trong khi thị trường đang nhiều biến động, chi phí đầu vào cao, vận chuyển gặp nhiều khó khăn do xăng dầu tăng giá…

Chung quan điểm, một số lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành gỗ cũng cho rằng, mặc dù đã kín đơn hàng, nhưng những bất ổn trên thế giới đang gây nên xáo trộn đáng kể cho chuỗi cung ứng, nguồn cung nguyên liệu và chi phí logistics.

Bà Dương Thị Minh Tuệ, Giám đốc kinh doanh Công ty Gỗ Minh Dương chia sẻ, đơn hàng đi Mỹ, châu Âu của Công ty đã kín đến hết quý III/2022 và vẫn đang tiếp nhận đơn hàng cho quý IV/2022. Tuy nhiên, chi phí logistics đang tăng chóng mặt, nên giá thành sản phẩm rất cao, nhiều đơn hàng chốt trước biến động giá nguyên liệu, nên doanh nghiệp bị “ăn” vào lợi nhuận.

“Một container đi châu Âu hiện dao động ở mức 6.000-8.000 USD, đi Mỹ là 10.000-12.000 USD. Nhưng có những đơn hàng, nhà mua hàng phải tốn đến 25.000 USD để vận chuyển một container từ cảng Cát Lái đến bờ Đông của Mỹ”, bà Minh Tuệ cho biết.

Bà Phan Thị Thanh Trúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam cũng cho hay, Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp ngành gỗ. Ngành đang trong quá trình hồi phục thì gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào, khiến sản xuất chững lại, nhiều nhà máy buộc phải thu hẹp sản xuất. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp đang cố gắng tìm cách duy trì sản xuất, giữ chân lao động có tay nghề và tính toán lại từng công đoạn sản xuất nhằm giảm chi phí.

Cần chính sách hỗ trợ

Chia sẻ tại Hội thảo “Ngành gỗ Việt Nam, các vấn đề chiến lược và định hướng giải pháp phát triển đến năm 2030” vừa được tổ chức tại TP.HCM, bà Đỗ Thị Thu Hương, chuyên gia Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, sự phát triển nhanh chóng trong thời gian ngắn vừa qua đang đặt ngành gỗ trước nhiều thách thức, như thiếu nguồn nguyên liệu, công nghệ chế biến và năng suất lao động hạn chế so với các quốc gia khác.

Do vậy, vị chuyên gia này kiến nghị Chính phủ cần ban hành các chính sách loại bỏ các nguồn cung rủi ro, tạo cơ hội cho việc phát triển rừng trồng trong nước, trực tiếp góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời, nghiên cứu việc thành lập quỹ cho doanh nghiệp vay trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi để thực hiện đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, đặc biệt phát triển doanh nghiệp theo hướng xanh, thân thiện với môi trường.

“Việc thành lập quỹ này có thể thực hiện thông qua việc trích một phần từ nguồn thu xuất khẩu; nghiên cứu cơ chế cho vay dựa trên tỷ lệ của thành tích xuất khẩu nếu doanh nghiệp có thực hiện đổi mới công nghệ, sản xuất theo hướng bền vững; quy chế cho vay công khai, minh bạch để các doanh nghiệp đều có thể tiếp cận được”, bà Hương nói.

Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty Lâm Việt cho biết, sau giai đoạn dịch Covid-19, số lượng lao động tại Bình Dương giảm hơn 100.000 người, dẫn tới thiếu hụt khoảng 10%. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp phải đầu tư máy móc, thiết bị để tăng năng suất, giảm phụ thuộc vào nhân công. Nhưng điều này chỉ thực hiện được với các nhà máy quy mô lớn, các doanh nghiệp FDI hoặc các nhà máy có tích lũy tài chính lớn, còn những nhà máy nhỏ thì rất khó. Do đó, rất cần có chính sách hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp để đầu tư.

Ông Võ Quang Hà, Chủ tịch Công ty Tavico cũng nêu ý kiến, do nguồn gỗ rừng trồng trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nên vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Để giảm chi phí vận chuyển, thì cần nhập khẩu lô hàng lớn. Tuy nhiên, chi phí cho mỗi chuyến tàu lên tới 4-6 triệu USD. Do vậy, cần có hỗ trợ về tín dụng để doanh nghiệp có thể mua hàng bằng tàu lớn và thế chấp bằng chính hàng hóa đó.

Bàn về chiến lược phát triển dài hạn cho ngành gỗ, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, lâu nay, ngành gỗ ít nhận được sự quan tâm của Nhà nước. Nếu được quan tâm hơn, ngành có thể phát triển mạnh hơn nữa. Theo đó, cần có các chính sách hỗ trợ, cơ chế khuyến khích để ngành gỗ phát triển, đồng thời mạnh dạn thay đổi để đáp ứng những yêu cầu mới.

Nguồn: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-nganh-go-can-be-do-chinh-sach-d163616.html