Làm rõ trách nhiệm đối với những bất cập trong công tác quản lý, đầu tư hạ tầng các khu đô thị

Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên điều hành phiên giải trình

Mở đầu phiên giải trình, đại biểu Nguyễn Ngọc Việt (tổ đại biểu huyện Mỹ Đức) đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết về kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tổng thể các dự án trên địa bàn Thành phố thời gian qua, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
 
Đại biểu Nguyễn Ngọc Việt phát biểu tại phiên giải trình
 
Đại biểu Duy Hoàng Dương (tổ đại biểu huyện Hoài Đức) nêu vấn đề về chồng lấn chỉ giới quy hoạch; một số dự án khu đô thị có cốt nền thấp dẫn đến mưa là ngập, trách nhiệm của Sở Quy hoạch Kiến trúc và các cơ quan liên quan thế nào?. Đại biểu Hoàng Thúy Hằng (tổ đại biểu quận Đống Đa) nêu một số bất cập đối với Sở Giao thông Vận tải liên quan đến việc quản lý các tuyến đường giao thông. Đại biểu Trần Khánh Hưng (tổ đại biểu huyện Ba Vì) nêu thực trạng chậm GPMB và bất cập tại một số khu đô thị trên địa bàn quận Hoàng Mai.
 
Trả lời đại biểu Nguyễn Ngọc Việt, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết, trong thời gian qua, Sở đã tiến hành 36 cuộc thanh tra, kiểm tra, xử phạt chủ đầu tư các dự án khu đô thị, khu nhà ở hơn 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác giám sát đầu tư nhìn chung còn thiếu chặt chẽ. Để khắc phục, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-UBND, ngày 10/02/2022 “Quy định phân công tổ chức giám sát, đánh giá chương trình, dự án đầu tư của thành phố Hà Nội”, trong đó, phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành trong công tác giám sát. Ngoài ra, Sở cũng đang phối hợp xây dựng phầm mềm quản lý để tăng cường quản lý nhà nước sau đầu tư. 
 
Về vấn đề đại biểu Trần Khánh Hưng nêu, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết: Hiện nay, toàn quận có 26 khu đô thị quy mô 2 ha trở lên. Thời gian qua, quận đã tăng cường quản lý, quyết liệt đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư triển khai dự án theo đúng phê duyệt, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư; kịp thời xin ý kiến Thành phố tháo gỡ cho các dự án trên địa bàn quận; kiên quyết kiến nghị thu hồi đối với các dự án chậm triển khai...
 
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm phát biểu tại phiên giải trình
 
Tuy nhiên, còn nhiều ô đất đầu tư hạ tầng xã hội nhưng chủ đầu tư các dự án khu đô thị chậm triển khai; một số tuyến đường giao thông khớp nối hạ tầng cũng chưa được hoàn thiện. Vừa qua, quận đã xin chủ trương của Thành phố cho phép quận đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách quận đối với tuyến đường phía Tây khu đô thị C2 Gamuda; đề nghị Thành phố chỉ đạo Tổng Công ty HUD bàn giao cho quận 7 ô đất để đầu tư trường học công lập, bãi đỗ xe trong Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm. Sau khi được bàn giao, quận sẽ tập trung đầu tư để đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn.
 
Tiếp tục phần giải trình, đại biểu Trần Hợp Dũng (tổ đại biểu huyện Thanh Trì) nêu thực trạng một số khu đô thị có trạm xử lý chất thải nhưng không vận hành, trong khi nhiều khu đô thị không có trạm xử lý chất thải, xả thẳng ra môi trường, đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường nêu rõ trách nhiệm và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
 
Đại biểu Nguyễn Đình Sơn phát biểu tại phiên giải trình
 
Đại biểu Nguyễn Đình Sơn (tổ đại biểu huyện Quốc Oai) đề nghị nêu rõ trách nhiệm của Sở Xây dựng khi một số khu đô thị chưa hoàn thành đầu tư hạ tầng nhưng đã đưa dân vào ở? Đại biểu Lâm Thị Quỳnh Dao đề nghị Công an Thành phố nêu giải pháp khăc phục những bất cập về hạ tầng PCCC tại các khu đô thị…
 
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Hợp Dũng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Văn Cường cho biết, từ năm 2019 đén nay, Sở đã thanh tra 1.782 cơ sở, các khu đô thị, xử phạt vi phạm hành chính 19 tỷ đồng. Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, xử lý; yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng các nội dung cam kết và theo quy hoạch, nhất là hạ tầng môi trường.
 
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyễn Phong phát biểu tại phiên giải trình
 
Về vấn đề các khu đô thị chưa hoàn thiện hạ tầng đã cho dân vào ở, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, trong 3 năm qua, Sở đã tiến hành kiểm tra 97 khu đô thị, xử phạt trên 3 tỷ đồng liên quan đến quản lý đầu tư theo quy hoạch, kinh doanh bất động sản và khớp nối hạ tầng. Đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư phải triển khai đồng bộ hạ tầng theo quy định. Tuy nhiên, thực tiễn các dự án khu đô thị thường kéo dài, trong khi người dân cũng muốn sớm được tiếp nhận nhà để ổn định cuộc sống nên dẫn đến thực trạng trên.
 
Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu, rà soát lại toàn bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội các khu đô thị, khu nhà ở; nâng cao chất lượng lựa chọn các nhà đầu tư khu đô thị. Cùng với đó, tập trung giải quyết triệt để công tác GPMB, nhất là đối với các dự án hạ tầng xã hội, các dự án đấu nối hạ tầng kỹ thuật…
 
Liên quan đến công tác PCCC tại các khu chung cư, khu đô thị, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an Thành phố cho biết, từ năm 2019 đến nay, Công an Thành phố đã kiểm tra 24.205 lượt cơ sở chung cư cao tầng, xử phạt 636 cơ sở với số tiền 8,7 tỷ đồng; ban hành 114 quyết định đình chỉ hoạt động. Khẳng định công tác PCCC tại các khu chung cư cao tầng được Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố rất quan tâm chỉ đạo, trong thời gian tới, Công an Thành phố sẽ tập trung phối hợp với các sở, ban, ngành Thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, khắc phục những tồn tại trong công tác PCCC.
 
Đại biểu Đoàn Việt Cường phát biểu tại phiên giải trình
Đặt câu hỏi cho UBND Thành phố về các dự án khu đô thị đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật nhưng chưa bàn giao cho Thành phố, mặc dù Thành phố đã có văn bản đôn đốc nhưng chưa xác định được đầu mối quản lý, quy trình bàn giao hạ tầng, thời điểm bàn giao, đại biểu Đoàn Việt Cường (Tổ đại biểu huyện Đông Anh) đề nghị lãnh đạo UBND Thành phố phụ trách lĩnh vực cho biết nguyên nhân, trách nhiệm trong thời gian nêu trên, giải pháp khắc phục?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn cho biết: Với các khu đô thị mới quy mô 20ha trở lên, khu cải tạo nâng cấp tái thiết đô thị thì có quy mô trên 10ha phải tuân thủ quy hoạch đô thị, quy hoạch đầu tư xây dựng nhà ở, đất đai rất phức tạp. Còn với quy mô nhà ở dưới 20ha thì có quy định tương đương nhóm ở, khu ở đơn giản hơn nhưng đảm bảo đáp ứng đầy đủ hạ tầng theo quy chuẩn kỹ thuật quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn, chất lượng trong cả quá trình chủ trương đầu tư, cấp phép đầu tư, vận hành khai thác sử dụng sau đầu tư... là quá trình lâu dài, phức tạp tuỳ thuộc tính chất của khu vực đô thị và nhà ở, cũng như năng lực nhà đầu tư, khả năng phối hợp của chính quyền Thành phố, địa phương với các sở, ngành phải đồng bộ từ tổ chức quản lý đến triển khai.
Trên thực tiễn có những chủ đầu tư rất xuất sắc nhưng quá trình triển khai cũng có những khó khăn vướng mắc dẫn đến khu đô thị lâu bàn giao hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Về việc này, theo quy định, chủ đầu tư có trách nhiệm đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh, toàn diện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ dự án và đảm bảo chất lượng.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn phát biểu tại phiên giải trình
Từ đó hình thành chủ đầu tư cấp 1 toàn diện và hệ thống chủ đầu tư thứ cấp quản lý khu vực. Khi thực hiện xong một quy trình lớn về đầu tư đến giai đoạn kết luận bàn giao đưa vào khai thác vận hành thì cũng có trục trặc. Luật quy định khi kết thúc thì chủ đầu tư cấp 1 có trách nhiệm bàn giao hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các khu đất liên quan cho Thành phố, chính quyền địa phương hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành các cấp để quản lý. Việc này tuân thủ quy định phân cấp quản lý Nhà nước của UBND thành phố Hà Nội.
Hiện nay, nếu nói chưa có các quy trình này là chưa chính xác vì đã có những quy định rất cụ thể. Quy trình này được xác định cụ thể cũng trên cơ sở Nghị định 06 ban hành ngày 26/1/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng. Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 33 ngày 31/12/2021 quy định trách nhiệm quản lý chất lượng và thi công công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Trước đó UBND Thành phố cũng có quy định quản lý về lĩnh vực này. Trên cơ sở này thì các sở, ngành Thành phố đã phối hợp triển khai đồng bộ, toàn diện hạ tầng kỹ thuật ở các khu đô thị mới.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cũng khẳng định, qua những câu hỏi, ý kiến đóng góp của Thường trực HĐND, đại biểu HĐND, UBND Thành phố sẽ củng cố tính pháp lý và tăng cường phân cấp quản lý đô thị, thanh tra giám sát đầu tư và có biện pháp đồng bộ để đáp ứng yêu cầu của cử tri.

Nguồn: https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/3/2853860/lam-ro-trach-nhiem-oi-voi-nhung-bat-cap-trong-cong-tac-quan-ly-au-tu-ha-tang-cac-khu-o-thi.html