Thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử

Trong năm vừa qua, thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 60/QĐ-BCT ngày 18/1/2022 phê duyệt Chương trình hành động của Bộ Công thương để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 02/NQ-CP.

Theo đó, ngay từ đầu năm 2022, các đơn vị thuộc Bộ đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao đảm bảo chất lượng và tiến độ đã được đề ra.

Cụ thể, Bộ đã triển khai hàng loạt các chương trình kết nối thương mại điện tử kết hợp đào tạo, tập huấn thương mại điện tử tại một số tỉnh, thành phố. Đặc biệt đẩy mạnh kết nối theo vùng, thúc đẩy liên kết vùng để tiêu thụ nông sản, thực phẩm, đặc sản địa phương qua phương thức thương mại điện tử.

Các chương trình kết nối thương mại điện tử nổi bật như: Hội nghị kết nối thương mại điện tử tại Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương, Hội nghị thương mại điện tử OCOP tại Quảng Ninh, Hà Tĩnh; Hội nghị kết nối cung cầu và thương mại điện tử tại Thái Bình, Hội nghị kết nối thương mại điện tử và định hướng tiêu dùng tại Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long... đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa trên thương mại điện tử.

Thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử - Ảnh 1.

Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, là hướng đi mới cho nông sản Việt

Với lợi thế của thương mại điện tử là giúp vận hành tiêu thụ hàng hoá khắp các tỉnh, thành phố thông qua hệ thống chuyển phát thương mại điện tử, các sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương đã được đẩy mạnh tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố. Các mặt hàng nông sản tiêu biểu như vải thiều, nhãn lồng, bưởi, na, dừa,... cùng các mặt hàng thực phẩm đặc sản như nước mắm, mật ong, cà phê... được đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Bộ cũng phối hợp với các sàn giao dịch thương mại điện tử xây dựng chuyên trang tiêu thụ nông sản, thực phẩm như Sendo, Vosco, Postmart, Shopee, Tiki, Lazada,... tích cực thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản thực phẩm địa phương.

Hè 2022, trong khuôn khổ hoạt động "Chung tay tiêu thụ đặc sản Việt", sàn thương mại điện tử Sendo, Vosco, Postmart đã ra mắt các gian hàng hoa quả nhiệt đới như mận Sơn La, dứa mật, xoài... với các lựa chọn đa dạng, nguồn gốc rõ ràng, giá thành ưu đãi. Với lợi thế về mạng lưới vận chuyển rộng khắp các tỉnh thành của Vietnam Post, mận Sơn La được đặt mua đều được đảm bảo chính gốc từ vườn, ngon sạch tự nhiên, đóng hộp đúng quy chuẩn trên sàn thương mại điện tử và được vận chuyển cẩn thận đến tay khách hàng, bảo đảm độ tươi ngon của sản phẩm. Có thể nói phương thức phân phối và mua sắm, tiêu thụ nông sản thực phẩm qua thương mại điện tử từng bước trở thành thói quen người tiêu dùng, từ đó hỗ trợ việc tiêu thụ nông sản, đặc sản địa phương qua thương mại điện tử.

Trưởng Ban Nghiên cứu và Phát triển thương hiệu cho biết, trung bình mỗi ngày lượng truy cập vào sàn Postmart.vn đạt gần 10.000 lượt, tăng mạnh so với trước. Đa số người tiêu dùng truy cập và lựa chọn mua các sản phẩm nông sản trái cây, đặc sản chính vụ của các địa phương. Như vậy, việc tiêu thụ thông qua các sàn thương mại điện tử đang tạo ra thói quen tiêu dùng mới bởi sự tiện lợi khi mua sắm và tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Trong năm 2022, Bộ cũng tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác về thương mại điện tử xuyên biên giới với các đối tác là các sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như Amazon, Alibaba, JD, Sea Group… để thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới. Thông qua các chương trình hợp tác này, các sản phẩm đặc sản Việt Nam, do doanh nghiệp sản xuất sẽ có thể xuất khẩu qua thương mại điện tử thông qua các hình thức B2B, B2B2C đến với các thị trường nhiều quốc gia trên thế giới.

Các sản phẩm đẩy mạnh xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới chủ yếu bao gồm nông sản thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp tiêu dùng… vốn là các sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam phù hợp với phương thức phân phối qua thương mại điện tử.

Song song với đó, chiến lược xây dựng sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh thành (sanviet.vn), kết nối và tạo nền tảng hỗ trợ cho cả người bán, người mua và các nền tảng số trong việc cung cấp hàng hoá, kết nối dịch vụ, tạo điều kiện phát triển thị trường thương mại điện tử một cách cạnh tranh, minh bạch, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu bán lẻ trực tuyến tập trung xuyên suốt từ trung ương đến địa phương và giúp người tiêu dùng mua được sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý.

Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/thuc-day-tieu-thu-nong-san-qua-san-thuong-mai-dien-tu/20230117081114654