Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ sơ kết 6 tháng đầu năm 2023

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị

Tham dự phiên họp tại điểm cầu thành phố Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Tăng cường phân cấp, phân quyền, xây dựng tổ chức bộ máy Nhà nước tinh gọn
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), tăng cường phân cấp, phân quyền, xây dựng tổ chức bộ máy Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tiếp tục được Đảng, Nhà nước xác định là một trọng tâm, đột phá trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta trong giai đoạn mới. Gần đây, Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thời gian qua, với sự đoàn kết, quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương, của các thành viên Ban Chỉ đạo, công tác CCHC tiếp tục được cải thiện, có tiến bộ; tuy nhiên, vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, còn nhiều rườm rà, vướng mắc trong hoạt động nội bộ của các cơ quan Nhà nước và trong giải quyết công việc, cải cách thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm dẫn tới ách tắc trong giải quyết công việc…
 
Theo Thủ tướng, công tác CCHC gồm 6 nội dung chính: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát lại các công việc trên tinh thần "việc gì có lợi cho dân thì ta hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh", làm sao để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các thủ tục, công việc một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất, tiết giảm chi phí, thời gian, công sức, tránh phiền hà, sách nhiễu, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý những ách tắc trong giải quyết công việc…
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Hà Nội
Nhắc lại quan điểm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, Thủ tướng lấy ví dụ, từ một nước thiếu lương thực, chỉ 1 năm sau khi có cơ chế Khoán 10, Việt Nam lần đầu tiên đã xuất khẩu được 1,2 triệu tấn lúa gạo và đến nay đã trở thành 1 trong 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Thủ tướng đề nghị tại các phiên họp tiếp theo, cần nghiên cứu để triển khai kết nối trực tuyến tới tận cấp xã; nâng cao hơn nữa trách nhiệm, tăng cường phân cấp cho cấp xã - nơi sát dân nhất, gần dân nhất, đến với người dân nhanh nhất, trực tiếp tiếp xúc, làm việc nhiều với người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng đề nghị tập trung đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong CCHC nói chung, nhất là những vấn đề nổi lên, những vấn đề người dân quan tâm, đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ thời gian tới trong công tác CCHC, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.
Mô hình chính quyền đô thị hiện nay ở Hà Nội là phù hợp
Tham luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, vừa qua, Hà Nội đã tổ chức sơ kết 6 tháng công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 trực tuyến tới xã, phường. Các bộ, ngành đều rất quan tâm đến Hà Nội. Hội nghị đã thành công với việc đánh giá những việc làm được, chưa làm được, rút ra bài học kinh nghiệm để cụ thể hóa, triển khai ngay các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cũng cho biết, thực hiện Nghị quyết 97 của Quốc hội, Nghị định 32 của Chính phủ, Hà Nội đã triển khai chính quyền đô thị với việc bỏ HĐND cấp phường. Việc này cần phải tổng kết để có sự đồng bộ cũng như mô hình tốt nhất cho Hà Nội. Hà Nội đã tổng kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 97 của Quốc hội, Nghị định 32 của Chính phủ để luật hóa các lĩnh vực trong Luật Thủ đô để trình Thủ tướng, Quốc hội xem xét trong tháng 10/2023. Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố đã họp, đánh giá, tổng kết và khẳng định mô hình đang áp dụng hiện nay là phù hợp với trình độ phát triển, quy mô dân số, hợp lý về khoa học tổ chức.
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh, bỏ HĐND cấp phường giúp chính quyền phường chủ động hơn rất nhiều; giảm bớt thủ tục quy trình, quan hệ công việc, giúp nhanh hơn trong xử lý công việc khi trực tiếp quản trị. Ở cấp phường khi bỏ HĐND vẫn phát huy được vai trò giám sát của người dân bởi Hà Nội đã được tăng số lượng đại biểu HĐND cấp quận, trực tiếp giám sát hoạt động của chính quyền phường. Bên cạnh đó, việc đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với Chủ tịch UBND phường do HĐND quận thực hiện là phù hợp.
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh phát biểu tham luận tại Hội nghị
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cũng dẫn chứng, khi triển khai các biện pháp chống dịch, phòng dịch, dù bỏ HĐND cấp phường, nhưng hệ thống chính trị vẫn hoạt động tốt; mọi quyết định, công việc thường xuyên đột xuất được xử lý kịp thời. Từ đó, Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định, đây là mô hình phù hợp, giữ được các nguyên tắc về tổ chức Nhà nước Pháp quyền.
Với những vấn đề vướng mắc, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, thực hiện chính quyền đô thị, UBND quận, phường là đơn vị dự toán ngân sách và khẳng định: "về mặt kỹ thuật, chúng tôi tin có thể xử lý được".
Về biên chế, Chủ tịch UBND Thành phố nêu con số, bình quân dân số mỗi phường là 25.000 người (bình quân tiêu chuẩn là 15.000 người), có phường có số dân hơn 100.000 người… nhưng biên chế rất ít. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ngành quan tâm thêm biên chế cho các phường.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết ấn tượng với việc phân cấp của Hà Nội và cho rằng, đây là cách làm có thể nhân rộng trên phạm vi cả nước. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đề xuất: “Chính phủ đang quyết liệt vấn đề này, đề nghị các Bộ, Ngành phân cấp, ủy quyền nhiều hơn cho địa phương; phân cấp các vấn đề thuộc thẩm quyền Chính phủ cho các Bộ trong các lĩnh vực như đất đai, quản lý môi trường. Như thế, chắc chắn công việc sẽ trôi chảy hơn”.

Nguồn: https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/3/2858533/ban-chi-ao-cai-cach-hanh-chinh-cua-chinh-phu-so-ket-6-thang-au-nam-2023.html