Bộ Công thương khẳng định bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong quý II, III

Bộ Công thương đang thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong quý II và quý III.
Bộ Công thương đang thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong quý II và quý III.

Bộ Công thương cho biết, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, có tác động lớn đến nền kinh tế, nếu không được quản lý và điều hành tốt, sát sao thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các ngành sản xuất, kinh doanh và đặc biệt ảnh hưởng tới sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Chỉ ra một số yếu tố đang tác động đến giá xăng dầu trong nước, Bộ Công thương cho hay, tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp tục căng thẳng và khó lường; cùng với đà phục hồi của nền kinh tế thế giới khiến cầu của mặt xăng dầu ngày càng tăng, trong khi đó nguồn cung xăng dầu trên thế giới đã khan hiếm thì ngày càng khan hiếm thêm vì vậy giá đã tăng lại tiếp tục tăng thêm.

Giá xăng dầu trong nước càng phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới do nguồn cung xăng dầu trong nước không đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn do khó khăn về tài chính đã giảm sản lượng làm cho nguồn cung xăng dầu trong nước bị suy giảm và gián đoạn. Thêm vào đó, giá xăng dầu tiếp tục diễn biến khó lường, kể cả trong trường hợp Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn hoạt động ổn định thì cũng không hỗ trợ được việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước do cũng phải nhập khẩu dầu thô để chế biến xăng dầu thành phẩm. 

Trước bài toán đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu, Bộ Công thương đang triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, chỉ đạo các đơn vị đầu mối nhập khẩu xăng dầu tăng nhập gấp 3 lần bình thường để bù đắp phần cung thiếu hụt từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Bộ đã giao chỉ tiêu nhập bổ sung cho 10 doanh nghiệp đầu mối và định kỳ kiểm tra việc nhập khẩu để đảm bảo không để thiếu hụt nguồn cung trong bất kỳ tình huống nào.  

Thường xuyên kiểm tra và xử lý vi phạm của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gồm doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường trên toàn quốc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Tại cuộc họp về công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu (xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu, sắt thép, phân bón, nông sản, dịch vụ vật tư y tế...) do Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì chiều 14/3, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, giá xăng dầu diễn ra quá nhanh, nằm ngoài dự đoán của tất cả. Do đó, các Bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để điều hành giá các mặt hàng thiết yếu.

Từ đầu năm đến nay, nhờ có quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Việt Nam đã kìm được mức tăng của giá xăng dầu trong nước so với thế giới. Nếu như giá xăng dầu thế giới biến động 44-60% (tùy mặt hàng) thì ở Việt Nam chỉ biến động 20-39%. "Trong tháng 3, cơ bản chúng ta đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Để bảo đảm nguồn cung trong quý II, Bộ Công thương đã giao cho 10 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Nếu không có diễn biến quá bất thường, chúng ta vẫn đảm bảo được nguồn cung. Bộ sẽ tiếp tục bàn bạc với các nhà sản xuất xăng dầu trong nước để có biện pháp phù hợp để đáp ứng nguồn cung trong quý III.

Nguồn: https://baodautu.vn/bo-cong-thuong-khang-dinh-bao-dam-nguon-cung-xang-dau-trong-quy-ii-iii-d162179.html