Cà phê Trung Nguyên: “Câu chuyện khởi nghiệp cổ tích” của một mối tình đầy khát khao

Phía sau Trung Nguyên là câu chuyện tình yêu được nhiều người thán phục, nhưng sau cùng, hai nhân vật chính của câu chuyện cổ tích chẳng thể cùng nhau đi đến cuối con đường. Điều duy nhất còn lại có lẽ là cơ đồ nghìn tỷ mà cả ông Vũ và bà Thảo đang sở hữu.

Phiên tòa đã khép lại, chúng ta không thể trách hay có quyền phán xét bà Thảo hay ông Vũ, bởi chỉ những người trong cuộc mới hiểu rõ được câu chuyện. Điều tiếc nuối, vẫn sẽ là một thương hiệu huyền thoại gắn liền với một câu chuyện buồn về một kết thúc không viên mãn.

Chúng tôi xin được trích lại nguyên văn một số chia sẻ trên status cũ của bà Lê Hoàng Diệp Thảo để cùng bạn đọc nhìn lại đôi nét về lịch sử hình thành thương hiệu Trung Nguyên:

Giai đoạn 1: Cùng nhau "Viết" giấc mơ Trung Nguyên

Năm 1994: Chúng tôi quen và yêu nhau khi anh còn là sinh viên Y Khoa. Với tôi, anh luôn là người có ý chí vươn lên mạnh mẽ. Vì công việc liên quan đến cà phê nên tôi nhận ra tiềm năng rất lớn của ngành. Chúng tôi cùng bàn nhau khởi nghiệp. Những lá thư anh gửi khi ấy vẫn còn đầy lo âu.

Năm 1995: Vì muốn gia đình anh cải thiện cuộc sống và thuận tiện cho việc thăm nom, tôi khuyên anh đưa ba mẹ từ quê nhà (Cư M'ta, huyện MD'rak, tỉnh Đắk Lắk) lên TP. Buôn Ma Thuột. Lúc này Ba Má anh đang là công nhân của Xí nghiệp gạch 20 của huyện Cư M'ta, huyện MD'rak, tỉnh Đắk Lắk.

Sau lời đề nghị của tôi, anh đã lái xe đưa tất cả đồ đạc và gia đình anh lên TP.Buôn Ma Thuột. Chúng tôi thuê căn nhà gỗ của chú Trang để Ba Má và chị của anh ở với giá 1 triệu/tháng. Đây cũng là địa chỉ của hãng cà phê Trung Nguyên đầu tiên.

Năm 1996: Cơ sở Trung Nguyên ra đời với số vốn đăng ký là 2 triệu đồng.

Giai đoạn 2: Trung Nguyên chính thức ra đời

Sau đám cưới năm 1998, chúng tôi chuyển về sống ở căn gác xếp nhỏ ở phía trên của quán Nguyễn Kiệm (587 Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM).Năm 1999, chúng tôi thành lập Hợp tác xã Xí nghiệp Cà phê Trung Nguyên có trụ sở chính tại 268 Nguyễn Tất Thành, TP.Buôn Ma Thuột.

Năm 2000, tôi được bổ nhiệm làm Trưởng Chi nhánh Hợp tác xã Xí nghiệp Cà phê Trung Nguyên tại TP.HCM, tại địa chỉ 587 Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, được giao phụ trách chính việc điều hành và phát triển hệ thống franchise cho Trung Nguyên. Trong hơn 1 năm, từ 1999 đến 2000, Trung Nguyên có khoảng 500 quán cà phê trên toàn quốc. Chúng tôi cũng chọn tên Trung Nguyên cho đứa con đầu lòng của mình như nguyện ước đồng hành trong công việc và gia đình.

Năm 2001, sau trong chuyến công tác tại Đức, tôi bắt đầu kế hoạch phát triển cà phê hòa tan. Xưởng sản xuất cà phê hòa tan đầu tiên ở số 204 Bùi Thị Xuân. Từ 2003 – 2011, G7 trở thành thương hiệu cà phê hòa tan số 1 Việt Nam dựa trên sản lượng bán ra của cả 3 thương hiệu mạnh nhất tại thời điểm đó.

Giai đoạn 3: Đưa Trung Nguyên phát triển vũ bão vươn ra thế giới

Từ năm 2006, tôi được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên. Đây là vị trí chủ chốt của Tập đoàn, trực tiếp điều hành toàn bộ hệ thống Trung Nguyên, từ kế hoạch kinh doanh, hệ thống phân phối đến quản lý tài chính...

Ngoài ra, tôi còn là Tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bình Dương, Tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của công ty Đầu tư Du lịch Đặng Lê và Trung Nguyên Franchise.

Năm 2008, tôi sang Singapore thành lập Trung Nguyên International đứng tên Lê Hoàng Diệp Thảo. Tại Singapore bắt đầu hình thành đội ngũ nhân sự quốc tế với việc mở quán cà phê Trung Nguyên đầu tiên tại sân bay Changi, Liang Court… Khi về nước, Trung Nguyên Franchise ra đời với hệ thống nhận diện là hình đôi cánh bay lên. Đây là cột mốc đánh dấu sự phát triển của Trung Nguyên ra thế giới.

Năm 2009, chúng tôi thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên. Tôi là cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị và Phó Tổng giám đốc của Công ty này.

Năm 2010, tôi vẫn giữ vai trò Phó Tổng giám đốc thường trực của Tập đoàn Trung Nguyên.

Năm 2011, theo đề nghị của chồng, tôi đồng ý chuyển Trung Nguyên International vào hệ thống các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên để thuận lợi hơn cho công việc gia đình và phát triển, điều hành công ty.

Giai đoạn 2006 – 2014: Tập đoàn Trung Nguyên phát triển mạnh mẽ. Doanh số tăng trưởng từ mức 1.223,6 tỷ đồng trong năm 2008 lên mức 4.177 tỷ đồng trong năm 2014, đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm ở mức 22,7% năm. Cùng với tăng trưởng về doanh số, lợi nhuận sau thuế của Trung Nguyên cũng ở mức đỉnh cao, đặc biệt vào năm 2014 với lợi nhuận sau thuế là 1.193,1 tỷ đồng – cao nhất của tập đoàn từ trước đến nay.

Tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn này duy trì ở mức cao trên 52,6% năm, từ quy mô tổng tài sản 397,2 tỷ đồng (năm 2008) lên mức 5.024,5 tỷ đồng (năm 2014).

Giai đoạn 4: Biến cố Trung Nguyên

Năm 2014, sau khi kết thúc 49 ngày thiền và nhịn ăn tại trang trại M’dark (Dak Lak), anh có những biến đổi bất thường về sức khỏe. Kể từ thời điểm này, anh lên núi ẩn tu, rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng, ở công ty và gia đình.

Tháng 4/2015, Trung Nguyên đột ngột bãi nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc Thường trực của tôi tại tập đoàn này. Tuy nhiên, riêng trong hoạt động kinh doanh quốc tế, tôi vẫn tiếp tục điều hành công ty Trung Nguyen International tại Singapore. Cũng từ thời gian đó cho đến nay, mọi hoạt động hàng ngày của Trung Nguyên đều giao cho cấp dưới quản lý.

Nhóm nhân viên điều hành đã nổi lên thao túng, lũng đoạn tập đoàn, liên tục tạo ra các tranh chấp pháp lý giữa Trung Nguyên và tôi, khiến Trung Nguyên thất thoát, rối loạn và kết quả kinh doanh ngày càng tụt dốc.

Tôi buộc phải làm đơn ly hôn như 1 biện pháp ngăn chặn sự thất thoát của Trung Nguyên do anh hầu như không xuất hiện tại công ty để điều hành doanh nghiệp, cũng như không hồi âm, trả lời.

.........

Sau cùng, cả hai được ly hôn, ông Đặng Lê Nguyên Vũ được sở hữu toàn bộ số cổ phần đang ghi tên ông và bà Thảo tại các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên, với tổng số tài sản trị giá hơn 4.687 tỉ đồng; bà Thảo được chia 3.245 tỷ đồng, bao gồm cả Công ty Trung Nguyên International Pte ở Singapore.

40% tài sản cho bà Thảo và 60% cho ông Vũ không phải một con số nhỏ, bởi 1% của cuộc ly hôn nghìn tỷ này đã đủ cho chúng ta sống sung túc cả đời. Sau nhiều năm, chúng ta vẫn tự hỏi những giọt nước mắt sau cuộc ly hôn này đã rơi vì đâu?

Có lẽ, đồng tiền không thể xóa dịu đi nỗi đau của những người đã từng dành cả cuộc đời để yêu thương và phát triển một thương hiệu huyền thoại.

PV

Nguồn: https://kinhdoanhvabienmau.vn/van-hoa-xa-hoi/ca-phe-trung-nguyen-cau-chuyen-khoi-nghiep-co-tich-cua-mot-moi-tinh-day-khat-khao/144-745-8967.kdbm