Cầu nối đưa nông sản Việt vươn xa

Bà con dân tộc Thái ở Sơn La trồng cà phê cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến các sản phẩm cà phê hòa tan để xuất khẩu (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Mai Hoàng

Cầu nối hiệu quả giới thiệu nông sản Việt với thế giới

Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), hiện có trên 5 triệu Việt kiều sinh sống và làm việc tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, có khoảng 3.500 dự án, doanh nghiệp do kiều bào thành lập hoặc góp vốn tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký 11 tỷ USD, trong đó, có rất nhiều kiều bào đã đầu tư vào lĩnh vực NN.

Những năm qua, ngành NN liên tục tăng trưởng và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản liên tục tăng cao, từ 4,2 tỷ USD năm 2000 tăng lên 48,6 tỷ USD vào năm 2021. Việt Nam hiện có 6 nhóm mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD và 10 mặt hàng nông, lâm, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đi trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp kiều bào thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành NN diễn ra ngày 14-2, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh: “Thời gian qua, chúng ta rất vui mừng khi được chứng kiến nhiều đóng góp thiết thực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực NN. Các cơ sở phân phối, quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài của kiều bào tuy quy mô còn hạn chế, nhưng đã phủ sóng trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần quảng bá sản phẩm Việt Nam tới bạn bè quốc tế”.

Theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, một số trung tâm thương mại, chợ Việt Nam có quy mô lớn và còn nhiều dư địa để hợp tác trong nước. Ngoài ra, nhiều kiều bào đã về nước đầu tư, kinh doanh, phát triển các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực NN, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo thêm cơ hội việc làm cho lao động địa phương; đóng góp vào công cuộc bảo tồn nông sản quý và phát triển các giống cây trồng cho năng suất cao.

Thứ trưởng Bộ NN và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, dù ở xa quê hương, mỗi người Việt đã và đang trở thành cầu nối quan trọng giới thiệu với bạn bè thế giới các sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng như đưa đầu tư nước ngoài vào trong nước. Từ những trung tâm thương mại lớn của người Việt ở nước ngoài như: Incentra ở Moscow, Đồng Xuân ở Berlin, Sapa ở Séc, ASEAN Garden Mall tại Hoa Kỳ, Thanh Bình Jeune tại Pháp, chợ Bến Thành tại Australia, đến những cửa hàng, siêu thị, quán ăn, quán cà phê... dù nhỏ hay to của kiều bào ở nước ngoài đều thể hiện cái tâm của người Việt đưa sản phẩm đi khắp bốn phương.

Đóng góp của kiều bào còn phải kể đến tri thức và kinh nghiệm quý báu đang giúp ngành NN chuyển mình thông qua chia sẻ và đưa những công nghệ mới, mô hình sản xuất tiên tiến vào sản xuất như nuôi tôm công nghệ cao, phân bón thông minh, bao bì bảo quản nông sản đa lớp. “Chúng tôi rất mong bà con tiếp tục làm cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu” - Thứ trưởng nói.

Hiến kế đưa nông sản vươn xa

Tiến sĩ Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu đánh giá, Việt Nam có nguồn nông, lâm sản phong phú, đa dạng, có tiềm năng rất lớn để xuất khẩu vào các nước châu Âu. Do đó, các doanh nghiệp trong nước, ngoài việc bán hàng trực tiếp cho các doanh nghiệp của các nước sở tại, cần phải hướng tới chinh phục được thị trường này. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu thị trường, pháp luật, văn hóa... Cộng đồng người Việt Nam ở châu Âu sẽ là nguồn thông tin hết sức quý giá, sẵn sàng cung cấp thông tin xác thực, nhanh chóng cho các doanh nghiệp trong nước, sẵn sàng là cầu nối giữa các doanh nghiệp trong nước với các đơn vị phân phối ở châu Âu.

Tuy nhiên, hiện nay, mối liên kết giữa cộng đồng người Việt ở châu Âu với các doanh nghiệp trong nước đang còn lỏng lẻo, dẫn tới việc các doanh nghiệp đang đánh mất rất nhiều cơ hội kinh doanh. Để giải quyết việc này, cần phát huy vai trò tổ chức, hiệp hội ngành nghề... trong nước trong việc tăng cường liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp người Việt ở châu Âu thông qua các hội thảo, diễn đàn... để trao đổi thông tin. Theo ông Huê, nên tạo một trung tâm dữ liệu chung để các kiều bào và doanh nghiệp có thể truy cập để trao đổi thông tin được chặt chẽ, thuận lợi. Ngoài ra, cần tận dụng tiềm năng trung tâm thương mại của người Việt ở châu Âu để đưa nông sản của Việt Nam vào tiêu thụ.

Ông Nguyễn Hoài Daniel, nhà sáng lập kiêm Giám đốc của Sông Cái Distillery, một công ty có sản phẩm chính là các dòng rượu cao cấp cho rằng: “Muốn phát triển thương hiệu, chúng ta không chỉ xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý mạnh hơn, mà còn phải bảo vệ bản quyền và hướng dẫn bà con đoàn kết và làm ra các sản phẩm mang lại giá trị cao”.

Với Hiệp hội doanh nghiệp ở nước ngoài, cần xây dựng các trung tâm xúc tiến thương mại, tổ chức kết nối thường xuyên với các hiệp hội doanh nghiệp trong nước để nắm bắt thông tin. Với các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, phải có điều kiện ràng buộc khi hưởng những ưu đãi từ chính sách đầu tư.

Còn ông Võ Văn Long, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức chia sẻ: “Thế mạnh của chúng ta là có cộng đồng hơn 220.000 người Việt Nam đang sinh sống ở Cộng hòa Liên bang Đức. Bởi vậy, tôi mong Nhà nước ta quan tâm và đánh giá cao thị trường châu Âu, nhất là ở Đức”.

Cũng theo ông Long, chúng ta nên xây dựng một cầu nối giữa những doanh nghiệp Việt Nam với châu Âu thông qua doanh nghiệp ở Đức, vì đây là thị trường rất lớn, đầy tiềm năng. Hàng hóa của chúng ta vào được Đức thì chắc chắn vào được các thị trường khác.

Để nâng cao giá trị nông sản Việt, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc điều hành Meet More Coffee nhấn mạnh, cần đề cao chế biến sâu để phát triển giá trị gia tăng. Đây là yếu tố then chốt để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm với thị trường nội địa và quốc tế. Ông Luận đề xuất giải pháp cụ thể: Nên giao chỉ tiêu cho phòng thương mại ở nước sở tại về việc phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xúc tiến thương mại nông sản; đồng thời, xây dựng các phòng trưng bày về nông sản Việt; liên kết các hội cựu sinh viên, cộng đồng người Việt tại nước sở tại.

Xuân Hương

Nguồn: https://www.bienphong.com.vn/cau-noi-dua-nong-san-viet-vuon-xa-post448453.html