Chống thất thu từ thương mại

Theo chuyên gia tài chính, thu nội địa ước đạt 872,28 nghìn tỷ đồng, bằng 77% dự toán, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2020. Thu nội địa tăng so với cùng kỳ, nhờ một số ngành, lĩnh vực được hưởng lợi từ chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, duy trì được mức tăng trưởng khả quan tạo thêm nguồn thu cho NSNN.

Tuy nhiên, thu nội địa có xu hướng giảm, số thu tháng sau thấp hơn tháng trước. Đặc biệt, số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu từ tháng 8 đến nay có xu hướng giảm mạnh so với tháng trước (số thu tháng 8 giảm 19,1%; tháng 9 giảm 13,6%)...

Đáng chú ý, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, các hành vi trốn thuế đang gây thất thu lớn cho NSNN. Nhiều đối tượng lợi dụng chính sách quản lý rủi ro, thông thoáng trong hoạt động xuất nhập khẩu để không khai báo, khai báo không đúng với hàng hóa thực nhập để trốn thuế, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập khẩu có điều kiện.

Tính đến hết tháng 9-2021, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 100.290 vụ việc vi phạm, thu nộp NSNN 7.519 tỷ đồng; khởi tố 1.615 vụ với 2.148 đối tượng, tăng 90,27% về số vụ và tăng 85,63% về số đối tượng so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo của các lực lượng BĐBP, Hải quan cho thấy, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng qua diễn biến phức tạp ở một số tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm. Nổi lên là hoạt động buôn bán, vận chuyển một số mặt hàng cấm qua biên giới như thuốc lá ngoại, đường cát, mỹ phẩm, tân dược tại các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Đà Nẵng, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Bình Phước, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang...

Đáng lo ngại, một số doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế, chính sách mở tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa để thực hiện các hành vi vận chuyển hàng lậu, hàng cấm...

Bên cạnh đó, một nguồn thu lớn cho NSNN từ các hoạt động thương mại điện tử đang bị bỏ ngỏ khi các lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện nhiều kho hàng bán online, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gian lận thương mại, trốn thuế... nhưng chưa có các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, xử lý hiệu quả.

Theo các chuyên gia, nếu quản lý chặt chẽ hoạt động thương mại điện tử với mức tăng trưởng 18% trong năm 2020, trị giá ước đạt trên 12 tỷ USD năm 2021 sẽ là một nguồn tăng thu đáng kể cho NSNN. Nhưng quản lý thuế đối với loại hình này đến nay vẫn còn nhiều thách thức.

Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2021 được Quốc hội, Chính phủ giao, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo quản lý chặt chẽ, không để lợi dụng kẽ hở để gian lận, trốn thuế.

Các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng cần nắm chắc tình hình, nhận diện rõ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả; có giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, đấu tranh ngăn chặn triệt để hoạt động vận chuyển, buôn lậu hàng hóa qua biên giới, nhất là phát hiện, xử lý các hành vi gian lận các nhóm mặt hàng phục vụ tái phục hồi nền kinh tế.

Trong thời gian tới, việc tập trung chống gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa, phòng, chống gian lận thương mại điện tử không những góp phần tăng thu cho NSNN, mà còn là giải pháp hữu hiệu để giữ gìn, bảo vệ uy tín của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, cũng như sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta trong bối cảnh đất nước tham gia một loạt các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Thanh Thảo

Nguồn: https://www.bienphong.com.vn/chong-that-thu-tu-thuong-mai-post444753.html