"Chưa thành công là do bạn cố gắng chưa đủ"

Vợ chồng suýt bỏ nhau vì đòi đi học phun thêu

10 năm trước, Nguyễn Sao Ly mở 1 tiệm làm tóc và làm móng tại nhà ở Đông Anh, Hà Nội. Chồng cô có một cửa hàng sửa chữa điện thoại. Cuộc sống yên bình trôi đi ở vùng quê ngoại thành. Thu nhập hai vợ chồng vừa đủ chi tiêu, nuôi con ăn học. Gia đình chồng đùm bọc, yêu thương. Chẳng có biến cố nào để một người phụ nữ ấy phải dấn thân. Nhưng Sao Ly lại là người phụ nữ không an phận. 

Lý do cô chuyển hướng công việc bắt đầu từ lời rủ rê của bạn đi tham gia một chương trình giới thiệu về phun thêu thẩm mỹ của người Hàn Quốc. Trở về nhà, cô quyết tâm đi học nghề mới. Nhưng cả chồng, bố mẹ chồng đều không đồng ý. 

Nguyễn Sao Ly quyết tâm đến với nghề

Cách đây 8-10 năm, xăm mày xăm môi chỉ dành cho người già và trung tuổi. Kỹ thuật ngày ấy rất thủ công, xâm lấn nhiều, chảy máu nhiều, lại rất đậm và xấu, làm gương mặt của người đi phun thêu trở nên già và dữ hơn. Gia đình Sao Ly bảo, đi làm cái nghề mà làm cho người ta xấu hơn thì làm làm gì. Thuyết phục chồng không thành, vợ chồng hục hặc, đứng trước nguy cơ bỏ nhau. 

Nhưng quyết tâm đến với công việc mới, cô đã âm thầm đi vay 80 triệu nộp học phí học nghề và nói dối chồng là được học bổng. Kết quả của khóa học ấy là… thất bại. Tiền mất, nghề không học được, nhưng Sao Ly không chịu thua. Cô quyết tâm đi tìm thầy khác. 

Những năm đầu tiên, Sao Ly mày mò tìm thầy. Cứ nghe ở đâu có người giỏi nghề này là cô xin học. Vừa học vừa làm, vừa tìm cách khắc phục chính các lỗi của thầy và vừa… trả nợ. Kiếm được bao nhiêu tiền chỉ đổ vào việc đi học. 

Đi học nhiều nơi khiến Sao Ly nhận ra rằng, cái nghề phun thêu thẩm mỹ ở Việt Nam vẫn còn sơ khai là vì mọi người không có một kênh để giao lưu, chia sẻ với nhau những kinh nghiệm, kỹ thuật. Cô mạnh dạn đứng ra lập Hội phun thêu thẩm mỹ Việt Nam. Bây giờ hội đã được hơn 100 ngàn người tham gia, liên tục cập nhật cho nhau những công nghệ mới nhất, kiến thức mới nhất, vừa dạy cho nhau vừa học hỏi lẫn nhau, tạo nên một cộng đồng lớn mạnh. Cũng từ nơi này, các master (thầy) phun thêu người Việt được thế giới biết đến và mời giảng dạy khắp các quốc gia khu vực châu Á.

Từ một cô thợ phun thêu, Sao Ly đã trở thành bậc thầy trong nghề tại VIệt Nam

Thành công là nhờ không bao giờ bỏ cuộc

Tên tuổi Sao Ly được các master Thái Lan, Hàn Quốc biết đến bắt đầu từ một cuộc thi tại Thái Lan. Dù chỉ là một cô thợ phun thêu chưa ai biết đến nhưng Sao Ly đã dám chọn thi trên người thật. Mẫu không có, ban tổ chức ra chợ tìm một chị bán cá đến làm mẫu cho thí sinh. Đó là một chị có 3 vết sẹo lớn ở chân mày. Nhìn thấy cô mẫu của mình, Sao Ly quên cả thi, bắt tay vào ngay chỉ với một mong muốn duy nhất là làm thế nào cho chị ấy đẹp lên. Thi xong, mẫu ra về, còn Sao Ly nghĩ chắc mình trượt rồi. Nhưng không, cô đoạt giải cao nhất - Giải Đặc biệt.

Cuộc thi đã đưa Sao Ly đến với vị trí giám khảo, giảng viên, master của hàng chục cuộc thi quốc tế lớn nhỏ trong nước và quốc tế. Và từ một cô thợ, cô chuyển sang nghề đào tạo, chấm thi. Số học sinh đã từng được Sao Ly đào tạo giờ đã lên con số hàng ngàn, cả Việt Nam lẫn Thái Lan, Hàn Quốc… 

Cô chia sẻ những kinh nghiệm của mình với các bạn trẻ

Sao Ly vừa giành giải quán quân Wulop 2022 - một cuộc thi quốc tế có hơn 1000 master phun thêu thẩm mỹ tham gia. Sắp tới đây, cô tiếp tục đại diện cho Việt Nam đi thi ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hỏi cô lý do vì sao đã thành “grand master” rồi mà vẫn đi thi đấu, Sao Ly khẳng định: “Các bạn trẻ lên rất nhanh và giỏi, tôi không thể nào dậm chân tại chỗ được. Mình dừng lại là mình đi lùi.”

Sao Ly cho hay, việc chấp nhận để làm 1 thí sinh có rất nhiều lợi ích. Một là áp lực “người ta trông vào” khiến mình phải nỗ lực nhất có thể. Hai là học hỏi được nhiều kinh nghiệm hay từ đồng nghiệp, thậm chí học trò. “Luôn có người giỏi hơn mình, đừng tin mình là người giỏi nhất, có như thế mình mới không ngừng phát triển”, Sao Ly tâm sự.

Nói về bí quyết thành công, Sao Ly bảo tất cả chỉ nằm ở việc: Có mục tiêu và cố gắng đến cùng: “Nếu làm việc gì mà không thành công thì là do bạn cố gắng chưa đủ”.

Một ngày làm việc của Sao Ly bắt đầu lúc 6 giờ sáng và không có giờ kết thúc. Có những khi cô nhận khách vào 12 giờ đêm vì không thể thu xếp được lịch khác. Nhưng làm việc lúc 12 giờ đêm với cô cũng tỉnh táo như ban ngày. “Khi tôi được làm việc chính là khi tôi giải trí, vì công việc là cuộc chơi của tôi”, bà chủ thương hiệu phun thêu thẩm mỹ Sao Ly bày tỏ.

Nguồn: https://phunuvietnam.vn/chua-thanh-cong-la-do-ban-co-gang-chua-du-2022102010054327.htm