Có nhiều sản phẩm phải tăng giá bán do giá nguyên liệu đầu vào cao. Ông Ngô Xuân Điền, Giám đốc Công ty CP Dược thảo Fungi (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), cho biết công ty phải tăng công suất mới đủ lượng hàng giao cho khách những ngày cuối năm. Công ty này có 5 dòng sản phẩm chính là nấm đông trùng hạ thảo tươi, nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, mật ong đông trùng hạ thảo, rượu đông trùng hạ thảo và dầu gió đông trùng hạ thảo; trong số này có 2 dòng sản phẩm đạt OCOP 4 sao. "Trung bình mỗi tháng công ty cung ứng ra thị trường khoảng 3.000 sản phẩm các loại nhưng dịp Tết thì số lượng tăng gấp 3 lần" - ông Điền nhẩm tính.

Đặc sản OCOP miền Tây hút hàng - Ảnh 1.

Công ty CP Dược thảo Fungi phải tăng công suất để đáp ứng cho đơn hàng dịp Tết

Sản phẩm mắm cá tra của ông Chương Văn Khanh (ngụ quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) đạt chứng nhận OCOP 4 sao cách đây khoảng 2 năm và đang rất nổi tiếng tại Cần Thơ. "Mấy ngày nay làm không kịp, phải thuê thêm nhân công làm mắm. Ngày thường chỉ bán từ 30-40 hộp nhưng bây giờ tăng gấp đôi. Tuy nhiên, giá bán không thay đổi, chỉ 120.000 đồng/hộp/kg" - ông Khanh hồ hởi.

Người dân làm nghề bánh tráng cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) năm nay cũng rất phấn khởi vì đơn hàng tới tấp, khách đặt hàng từ tháng 11 âm lịch nhưng cung vẫn không đủ cầu. Các hộ sản xuất phải dậy từ 3-4 giờ sáng và thuê thêm nhân công để làm bánh. Theo ông Lương Văn Thông, Giám đốc HTX Bánh tráng cù lao Mây, năm nay giá nguyên liệu đầu vào như: đường, sữa, gạo, chất đốt… đều tăng nên giá bánh buộc phải tăng thêm 5.000-10.000 đồng/chục so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, bánh tráng nhúng có giá bán 18.000 đồng/chục, bánh tráng ngọt 40.000 đồng/chục, bánh tráng nướng 80.000 đồng/chục… Ngoài ra, làng nghề này còn làm bánh tráng thanh long, bánh tráng ớt để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Bài và ảnh: Ca Linh