Gia đình là động lực giúp cô gái dân tộc Mường đưa sản phẩm thịt chua đi khắp mọi miền

Hiện nay, thịt chua Phú Thọ là sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, để có được kết quả như ngày hôm nay là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chị Nguyễn Thị Thu Hoa (SN 1992, dân tộc Mường, quê huyện Thanh Sơn, Phú Thọ). PNVN đã có trao đổi với chị Nguyễn Thị Thu Hoa về vấn đề này.

- Chị biết đến sản phẩm thịt chua như thế nào?

Chị Nguyễn Thị Thu Hoa: Tôi sinh ra ở vùng sơn cước. Năm 18 tuổi, tốt nghiệp THPT, tôi lập gia đình luôn chứ không nghĩ đến học Đại học, Cao Đẳng như bạn bè cùng trang lứa. Những ngày ở nhà chồng, tôi được mẹ chồng truyền nghề làm thịt chua truyền thống của gia đình, cùng với 2 chị em dâu khác. Tôi cũng tìm hiểu nguồn gốc món ăn này và thấy rằng, mỗi khi mổ lợn, người Mường thường giữ thịt lại để ăn dần. Để bảo quản được lâu, người Mường nghĩ ra cách muối chua thịt trong ống tre, ống nứa làm "của để dành". Tôi rất tâm đắc với món ăn này.

- Vậy thời điểm đó, cửa hàng của gia đình chị chắc rất đông khách?

Chị Nguyễn Thị Thu Hoa: Khi ấy, thịt chua chưa được thịnh hành, chỉ có người dân Thanh Sơn (Phú Thọ) và các huyện lân cận mới biết đến thịt chua. Thậm chí tại TP. Việt Trì, người dân không biết thịt chua là gì.

Về sản xuất, trên địa bàn huyện Thanh Sơn chỉ có vài cơ sở sản xuất thịt chua nhỏ lẻ với số lượng bán ra rất thấp. Như cửa hàng của bố mẹ chồng tôi, mỗi ngày cũng chỉ làm chừng 30 - 40 hộp thịt chua để bán lẻ cho bà con trong xóm. Bố mẹ truyền nghề cho tôi cũng không nghĩ sẽ có ngày sẽ phát triển như bây giờ. Lúc đó, ông bà chỉ mong chúng tôi kiếm được vài trăm ngàn đồng/ngày đủ để mưu sinh.

Gia đình là động lực giúp cô gái dân tộc Mường đưa sản phẩm thịt chua đi khắp mọi miền - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Thu Hoa mặc trang phục truyền thống của dân tộc Mường

- Vậy, chị khởi nghiệp với làm thịt chua như thế nào?

Chị Nguyễn Thị Thu Hoa: Khoảng năm 2010, tôi quyết định khởi nghiệp với 4 triệu đồng tiền vốn. Tuy nhiên, cái khó là thời điểm đó, làm thịt chua không có công thức cụ thể, chỉ được áng bằng "1 nắm, 2 nắm, 1 bốc, 2 bốc". Vì thế, chất lượng không đồng đều lúc thì bị đậm, lúc thì bị nhạt. Khách hàng cũng đã nhiều lần phản ánh như vậy.

Để cải tiến chất lượng sản phẩm, tôi đã phải thử nghiệm nhiều lần. Chúng tôi đã phải đổ đi không biết bao nhiêu thịt, thậm chí giá trị sản phẩm phải đổ đi bằng cả một năm lợi nhuận.

Sau nhiều cố gắng, đến năm 2012, tôi đã tìm ra được công thức sản xuất thịt chua hàng loạt mà mà vẫn giữ đúng hương vị đặc trưng của sản phẩm. Sau khi cải tiến chất lượng sản phẩm, sản lượng sản xuất của chúng tôi tăng lên gấp 3 - 4 lần, sản lượng trung bình là 200 hộp/ngày.

Gia đình là động lực giúp cô gái dân tộc Mường đưa sản phẩm thịt chua đi khắp mọi miền - Ảnh 2.

Nguyên liệu để chế biến thịt chua Phú Thọ

Để mở rộng sản xuất, năm 2015, thương hiệu thịt chua Trường Foods (trụ sở chính tại Phú Thọ) của tôi chính thức ra đời. Đến nay, doanh nghiệp của tôi đã có gần 5.000 điểm bán thịt chua. Sản phẩm thịt chua Trường Foods hiện chiếm khoảng 40% thị phần thịt chua tại tỉnh Phú Thọ và các tỉnh lân cận. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của công ty từ năm 2015 đến năm 2022 trung bình là 30%/năm. Đặc biệt, năm 2021, dù trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng doanh thu của Công ty Trường Foods đã đạt 52 tỷ đồng. Mục tiêu của Trường Foods là đến năm 2025, doanh thu sẽ đạt 420 tỉ đồng và trở thành nhãn hiệu thịt chua số 1 tại Việt Nam.

Gia đình là động lực giúp cô gái dân tộc Mường đưa sản phẩm thịt chua đi khắp mọi miền - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Thị Thu Hoa, Giám đốc Công ty Trường Foods

- Được biết, an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, vậy chị làm như thế nào để sản phẩm của mình được an toàn?

Chị Nguyễn Thị Thu Hoa: Thứ nhất, nguyên liệu của chúng tôi là thịt lợn sạch, nuôi theo tiêu chuẩn VietGap. Do đó, sản phẩm đảm bảo chất lượng, có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng để khách hàng yên tâm.

Thứ hai, với sản phẩm thịt chua, thời gian bảo quản ngắn, chỉ vài ngày nếu sản xuất, bảo quản theo phương pháp truyền thống. Tôi cũng từng thử nghiệm các loại chất bảo quản, nhưng sản phẩm đều thay đổi mùi vị, do thịt chua là sản phẩm lên men tự nhiên. Hơn nữa, tôi cũng lo sợ không kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, tôi đã không lựa chọn chất bảo quản mà tìm những cách khác. Sau một thời gian, tôi đã quyết định ứng dụng màng seal, giúp tăng thời gian bảo quản thịt chua lên 2 tháng. Sau thời điểm đó, sản lượng của tôi tăng lên rất nhiều, gấp 3 - 5 lần.

Gia đình là động lực giúp cô gái dân tộc Mường đưa sản phẩm thịt chua đi khắp mọi miền - Ảnh 4.

Nguyên liệu chế biến thịt chua của Công ty Trường Foods đảm bảo an toàn thực phẩm

- Để có thành công như hiện nay, theo chị điều gì là quan trọng nhất ?

Chị Nguyễn Thị Thu Hoa: Tôi nhận thấy điều quan trọng nhất để thành công là luôn có tư duy đổi mới, sáng tạo. Thứ hai là luôn đặt tâm huyết vào sản phẩm. Thứ ba là luôn luôn kiên định với con đường mình đã chọn và bằng mọi cách phải tìm ra giải pháp để đạt được mục tiêu.

Ngoài ra, tôi cho rằng, yếu tố con người vẫn là then chốt. Để có được thành công như hôm nay, có đóng góp không nhỏ chính là đội ngũ công nhân viên tại Trường Foods. Thực tế, nhiều công nhân gắn bó với tôi từ khi xưởng mới thành lập và đồng hành cho đến nay.

Gia đình là động lực giúp cô gái dân tộc Mường đưa sản phẩm thịt chua đi khắp mọi miền - Ảnh 5.

Chị Nguyễn Thị Thu Hoa, Giám đốc Công ty Trường Foods

- Gia đình có vai trò như thế nào trong hành trình sản xuất, kinh doanh của chị?

Chị Nguyễn Thị Thu Hoa: Với tôi, gia đình là điểm tựa vững chắc nhất. Những ngày đầu tôi còn non nớt, người ta không chọn tôi mà tìm đến những cô chú có tên tuổi hơn trong vùng để mua, đặt hàng. Nhiều lúc nghĩ tôi cũng nản lắm vì sản phẩm mình làm chưa tới đâu, còn khó khăn bất ngờ ập đến. Nhưng cứ nghĩ tới mẹ, nghĩ tới hoàn cảnh khó khăn của gia đình, tôi lại quyết tâm làm đến cùng.

Hiện nay, dù đã thành công bước đầu trên thương trường, nhưng với tôi gia đình vẫn là quan trọng nhất. Vì vậy, tôi có một nguyên tắc là dành thời gian buổi tối ở nhà với con, gác lại việc điều hành công ty đầy bận rộn.

Gia đình là động lực giúp cô gái dân tộc Mường đưa sản phẩm thịt chua đi khắp mọi miền - Ảnh 6.

 

- Vậy chị có lời khuyên nào cho chị em phụ nữ làm kinh doanh?

Chị Nguyễn Thị Thu Hoa: Tôi mong muốn chị em hãy tự lập trong cuộc sống. Bên cạnh việc chăm sóc gia đình, chị em nên có một công việc, tạo ra thu nhập và mang lại cho mình môi trường phát triển bản thân. Tôi luôn tin rằng nguồn năng lượng mà chị em tạo ra sẽ thu hút những điều tương xứng.

Xin cảm ơn chị!

  • Tham khảo thêm

    Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm giữ gìn bản sắc dân tộc, giúp phụ nữ thoát nghèo

    Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm giữ gìn bản sắc dân tộc, giúp phụ nữ thoát nghèo

Nguồn: https://phunuvietnam.vn/gia-dinh-la-dong-luc-giup-co-gai-dan-toc-muong-dua-san-pham-thit-chua-di-khap-moi-mien-20221116135012749.htm