Hà Nội tập trung đầu tư cơ sở vật chất giáo dục, y tế và di tích lịch sử văn hóa

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, sáng 7-4

85% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia
 
Theo Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 được Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố trình xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố sáng 7/4, hiện nay, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, về số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Thành phố cũng đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 sớm hơn mục tiêu đề ra. 
 
Tổng số trường công lập đến hết năm 2021 trên địa bàn Thành phố là 2.237 trường. Trong đó, số trường đạt chuẩn quốc gia đến ngày 10/02/2022 là 1.766 trường (đạt tỷ lệ 79%). Dự kiến đến hết năm 2025, tổng số trường công lập trên địa bàn Thành phố là 2.400 trường.
 
Tuy nhiên, hiện nay, Hà Nội có tốc độ tăng dân số cơ học nhanh, nhất là tại các quận và một số huyện, gây sức ép lớn đối với các trường học, không đảm bảo quy mô trường, lớp để đảm bảo đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy định về cơ sở vật chất của Trung ương thay đổi theo hướng tăng cao hơn so với trước đây (ví dụ như quy định về diện tích đất/học sinh).
 
Chính vì thế, theo Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 được Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố trình xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, dự kiến Thành phố phân bổ 51.294 tỷ đồng, đầu tư 1.649 dự án trong lĩnh vực giáo dục. Gồm 139 dự án cấp Thành với số kinh phí là 5.945 tỷ đồng; 1.510 dự án cấp huyện, với số kinh phí là 45.349 tỷ đồng. Các huyện, thị xã đề nghị ngân sách Thành phố hỗ trợ 20.390 tỷ đồng.
 
Với sự phân bổ kinh phí như trên, sẽ có 653 dự án xây dựng trường học công lập được bố trí vốn đầu tư, sau khi hoàn thành, cấp trung học phổ thông do Thành phố quản lý được công nhận mới chuẩn mức 1 là 40 trường, được công nhận chuẩn lại mức 2 là 83 trường; cấp trung học cơ sở, tiểu học, mầm non do cấp huyện quản lý có 222 trường được công nhận chuẩn mới mức độ 1, mức độ 2 và 292 trường được công nhận lại chuẩn mới mức độ 1, mức độ 2.
 
Cùng với ngân sách cấp huyện đầu tư sẽ tăng thêm 148 trường đạt chuẩn mới và 818 trường đạt điều kiện công nhận chuẩn lại. Dự kiến đến cuối năm 2025, tổng số trường công lập của Thành phố được công nhận đạt chuẩn là 2.040, đạt tỷ lệ 85% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia.
 
Đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây mới 39 dự án bệnh viện đa khoa, trung tâm chuyên khoa
 
Trong lĩnh vực y tế, hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 82 bệnh viện, trong đó, có 41 bệnh viện công lập trực thuộc, gồm 13 bệnh viện đa khoa Thành phố, 13 bệnh viện đa khoa huyện, 15 bệnh viện chuyên khoa. Số giường bệnh/1 vạn dân đạt 27,5 giường. Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao; phát triển và ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị... 100% trạm y tế trên địa bàn Thành phố đã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.
 
Tuy vậy, cơ sở vật chất của nhiều bệnh viện còn chưa đảm bảo. Bộ Y tế ban hành Thông tư mới về thiết kế trạm y tế xã, phường, thị trấn và danh mục trang thiết bị tối thiểu của trạm y tế tuyến xã. Trong khi đó, trên địa bàn Thành phố còn nhiều trạm y tế được đầu tư xây dựng từ lâu, đến nay, đã xuống cấp cần được đầu tư xây mới, nâng cấp mở rộng và cải tạo, sửa chữa để đảm bảo đủ số lượng và chất lượng buồng phòng theo yêu cầu của chuyên môn của ngành y tế, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
 
Chính vì thế, Kế hoạch của Thành phố dự kiến phân bổ 18.513 tỷ đồng cho 449 dự án thuộc lĩnh vực y tế. Gồm 39 dự án cấp Thành phố với số kinh phí là 15.000 tỷ đồng; 410 dự án cấp huyện với số kinh phí là 3.513 tỷ đồng. Các huyện, thị xã đề nghị ngân sách Thành phố hỗ trợ 1.403 tỷ đồng.
 
Sau khi hoàn thành, có 238 dự án lĩnh vực y tế được đầu tư xây dựng, bao gồm: 39 dự án bệnh viện đa khoa, trung tâm chuyên khoa được đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây mới đáp ứng yêu cầu chuyên môn về quy mô, công năng sử dụng, công suất hoạt động (gồm 04 bệnh viện tại 04 huyện có Đề án thành lập quận; 08 bệnh viện chuyên khoa; 03 bệnh viện khu vực phía Tây, Nam, Bắc; 05 bệnh viện đa khoa tuyến Thành phố, 13 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 03 trung tâm chuyên khoa và 02 chi cục trực thuộc Sở Y tế, 01 dự án đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế).
 
Ngoài ra, có 199 trạm y tế, phòng khám đa khoa cấp huyện được hỗ trợ đầu tư. Cùng với ngân sách cấp huyện sẽ hoàn thành 351 dự án y tế cơ sở, góp phần nâng cao năng lực y tế cộng đồng phục vụ chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho nhân dân.
 
Tu bổ, tôn tạo 1.287 di tích
 
Đối với lĩnh vực di tích, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 21 cụm di tích Quốc gia đặc biệt (89 di tích đơn lẻ), 1.160 di tích cấp quốc gia, 1.452 di tích cấp Thành phố và 3.221 di tích chưa được xếp hạng. Nhiều không gian văn hóa sáng tạo cộng đồng đã được khai thác hiệu quả, trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch nổi bật của Thủ đô. 
 
Trong những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư. Các mô hình làng văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa ngày càng nâng cao chất lượng và đi vào thực chất. Thành phố đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2020, “100% các thôn, làng có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng" theo Chương trình 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy (hiện chỉ còn thiếu 40 nhà văn hóa do chưa có địa điểm để triển khai và các đơn vị chưa có đủ thủ tục để bố trí vốn). 
 
Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn Thành phố còn tồn tại nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ, cần đầu tư, tôn tạo. Chính vì thế, Thành phố dự kiến phân bổ 27.687 tỷ đồng cho 1.287 dự án tôn tạo di tích. Gồm 58 dự án cấp Thành phố với số kinh phí là 5.676 tỷ đồng; 1.229 dự án cấp huyện với số kinh phi là 22.010 tỷ đồng. Các huyện, thị xã đề nghị ngân sách Thành phố hỗ trợ 11.802 tỷ đồng.
 
Dự kiến sau khi hoàn thành Kế hoạch, 49 công trình do cấp Thành phố quản lý (Cụm di tích Hoàng Thành Thăng Long, Cổ Loa, di tích quốc gia đặc biệt, di tích cách mạng kháng chiến...) và 371 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp thành phố do các huyện, thị xã quản lý được đầu tư tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị di tích lịch sử.

Nguồn: https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/3/2851765/ha-noi-tap-trung-au-tu-co-so-vat-chat-giao-duc-y-te-va-di-tich-lich-su-van-hoa.html