Kỳ vọng “quả đấm thép” kinh tế tỉnh Ninh Thuận

Quang cảnh Cảng tổng hợp Cà Ná đang được xây dựng. Ảnh: Hải Luận

Cảng gần với tuyến hàng hải quốc tế

Dưới cái nắng như thiêu như đốt đầu tháng 8/2022, trên công trường xây dựng Cảng tổng hợp Cà Ná, mọi hoạt động diễn ra rất sôi động. Cầu cảng phía Đông đã hoàn thành đón cùng lúc 3 chiếc tàu lấy vật tư xây dựng đi huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Cầu cảng phía Tây, máy khoan cọc nhồi, xe đổ bê tông hoạt động nhộn nhịp. Nhiều hạng mục và các tòa nhà chức năng của cảng đang vào giai đoạn hoàn thiện.

“Công ty Trung Nam Group làm chủ đầu tư xây dựng Cảng tổng hợp Cà Ná, nơi đây sẽ trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Ninh Thuận. Đây là dự án có tổng diện tích quy hoạch trên 100ha, với các phân khu chức năng chính, bao gồm: Hai bến cảng đón tàu có trọng tải từ 70.000-100.000 tấn, một bến cảng đón tàu 20.000 tấn và khu kho bãi, hạ tầng dịch vụ. Chúng tôi đang khẩn trương triển khai xây dựng cuối năm nay đưa vào sử dụng đầy đủ các thiết bị hiện đại. Bến cảng 1B với thiết kế tiếp nhận tàu có trọng tải trên 100.000 tấn, dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2023” - ông Nguyễn Ngọc Thảo, Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Trung Nam - Cà Ná thông tin.

Cảng tổng hợp Cà Ná có độ sâu tự nhiên từ 10-16m, với quy mô 25 bến tàu, có thể đón tàu có tải trọng lớn của thế giới ra vào cảng an toàn. Đây là bến cảng nước sâu nằm gần với tuyến hàng hải quốc tế, có địa thế rất thuận lợi trong phạm vi cả nước, hướng đến là điểm trung chuyển hàng hóa cho cả khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Qua đó, giải tỏa áp lực các cảng biển miền Đông Nam Bộ, thành phố Hồ Chí Minh. Đồng bộ với Cảng tổng hợp Cá Ná còn có Khu công nghiệp Cà Ná đã được Chính phủ và UBND tỉnh Ninh Thuận quy hoạch 827ha, nằm liền kề ngay cảng, là nơi sản xuất hàng hóa, xuất, nhập qua cảng này.

“Về lâu dài, vùng đất 2 xã Cà Ná, Phước Diêm (huyện Thuận Nam) sẽ trở thành nền tảng quan trọng tạo dựng lên một khu đô thị hậu cần, công nghiệp, khoáng sản, năng lượng, với quy mô nhiều tỷ USD. Qua đó, sẽ tạo động lực thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận bứt phá, cất cánh, phát triển bền vững. Đồng thời, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước” - ông Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ mục tiêu lớn.

Biến vùng muối mặn thành “dòng chảy đô la Mỹ”

Vùng đất 2 xã Cà Ná, Phước Diêm có diện tích làm ruộng muối và núi đá khô cằn chiếm khoảng 70%. Diện tích xây dựng Cảng tổng hợp Cà Ná nằm trên cánh đồng muối và lấn biển ra xa vùng nước sâu. Tổng vốn đầu tư xây dựng Cảng tổng hợp Cà Ná là 6.500 tỷ đồng. Trung tâm logistics, với quy mô 125ha, tổng vốn đầu tư 3.600 tỷ đồng.

Tàu vận tải nhận hàng hóa tại Cảng tổng hợp Cà Ná. Ảnh: Hải Luận

Công ty Trung Nam Group sẽ xây dựng Trung tâm điện lực LNG Cà Ná,hiện nay đã đưa vào quy hoạch điện quốc gia. Theo đó, xây dựng phân khu bến cảng đón tàu lớn chở khí LNG phục vụ cho 4 nhà máy điện khí LNG Cà Ná, với diện tích 270ha, tổng công suất phát điện 6.000MW, vốn đầu tư gần 53.000 tỷ đồng. “Các nước tiên tiến đã làm điện khí LNG nhiều rồi, nước ta bắt đầu làm điện khí, loại này ít bị ô nhiễm môi trường. Tỉnh Ninh Thuận sẽ biến vùng muối mặn thành “dòng chảy đô la Mỹ” trong thời gian tới. Vùng đất huyện Thuận Nam vừa phát triển dịch vụ cảng biển, các nhà máy sản xuất hàng hóa ở khu công nghiệp, điện khí, điện gió, điện mặt trời..., đồng thời phát triển quần thể du lịch ở Mũi Dinh” - ông Nam chia sẻ.

Về các trục giao thông kết nối với Cảng tổng hợp Cà Ná, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Ninh Thuận đang xúc tiến xây dựng tuyến đường lớn từ cảng kết nối với tuyến cao tốc Bắc-Nam, tổng chiều dài gần 15km, với 6 làn xe. Tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và vốn xã hội hóa. Cụm cảng biển, công nghiệp, điện, dịch vụ Cà Ná nằm sát quốc lộ 1A, đường sắt Bắc-Nam, tạo sự đồng bộ các loại hình giao thông, được xem là “xương sống” của nền kinh tế tỉnh Ninh Thuận nói riêng, cả vùng Nam Trung Bộ và các tỉnh Nam Tây Nguyên nói chung.

Mục tiêu vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân (GRDP) đến năm 2025, tỷ trọng của vùng này chiếm khoảng 28-29% GRDP của tỉnh Ninh Thuận, năm 2030, tăng lên 50-51%. Định hướng phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận thành vùng kinh tế động lực, tăng trưởng xanh. Song song với phát triển cảng, công nghiệp, điện... sẽ hình thành Khu đô thị mới đầm Cà Ná, Khu đô thị phía Đông-Tây quốc lộ 1A, Khu đô thị mới Phước Diêm và các đô thị trung tâm Phước Nam, Sơn Hải theo hướng hiện đại. Dựa vào tuyến đường ven biển để hình thành tam giác phát triển kinh tế xã hội, đô thị: Phước Nam - Cà Ná - Sơn Hải.

“Thực hiện xây dựng dự án Cảng tổng hợp Cà Ná, có rất nhiều nhà thầu chính, thầu phụ..., có hàng trăm kỹ sư, công nhân đổ về đây làm việc. Đồn Biên phòng Phước Diêm, BĐBP Ninh Thuận đã cùng với chính quyền địa phương giải quyết kịp thời nhiều vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự. Lúc dịch Covid-19 căng thẳng, cán bộ, chiến sĩ của đồn và lực lượng của xã Phước Diêm luôn thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch ở công trường”. Thiếu tá Quảng Minh Thông, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phước Diêm, BĐBP Ninh Thuận cho biết

Hải Luận

Nguồn: https://www.bienphong.com.vn/ky-vong-qua-dam-thep-kinh-te-tinh-ninh-thuan-post453800.html