Mất điện không phải là nỗi sợ duy nhất của doanh nghiệp nhôm

Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ Công thương và EVN về tình trạng thiếu điện cung cấp cho sản xuất của Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam (VAA), để xử lý và trả lời, đại diện Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam chia sẻ thông tin với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn.

Trước đó, vào ngày 8/6, VAA đã gửi công văn tới Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị tuyệt đối không được cắt điện đột ngột.

Đặc thù ngành hàng luyện kim, trong quá trình nấu luyện hoặc vào khuôn mà mất điện đột ngột, toàn bộ mẻ sản phẩm đó bị hỏng. Để xử lý, nếu mất điện ở giai đoạn nấu luyện. doanh nghiệp phải phải chờ có điện, kéo sản phẩm ra khỏi khuôn, cắt nhỏ và nấu lại vì sản phẩm thanh nhôm thường có chiều dài 6 m.

Mẻ nhôm bị hỏng do mất điện. Ảnh: VAA

Ngay cả khi sản phẩm đã vào khuôn, để đảm bảo chất lượng đồng đều theo yêu cầu từng nhóm hợp kim nhôm, cần có giai đoạn ủ gia nhiệt, nên nếu điện mất đột ngột, sản phẩm sẽ không đạt tiêu chuẩn về quy cách, chất lượng.

“Nhiệt độ lò khi đang nung khoảng 700-800Oc, mà mất điện thì lò tắt, không đủ nhiệt, nhôm sẽ đông đặc lại trong lò. Nhà máy phải chờ có điện để khỏi động đốt lại lò, nấu lại mẻ kim loại đang dở dang. Mỗi lần khởi động lò tốn khoảng 10-15 triệu đồng, chưa kể thiệt hại máy móc, thiết bị khi mất điện đột ngột. Trong ngành này, doanh nghiệp sợ nhất là mất điện”, đại diện VAA giải thích .

Đáng nói là khi hệ thống lò nấu luyện đang rót kim loại mà bị ngắt điện thì không thể kiểm soát được theo quy trình, định lượng, nếu kim loại đang ở nhiệt độ 700oC mà bị tràn khỏi khuôn thì nguy hiểm đến tính mạng người lao động...

Tuy nhiên, mất điện không phải là nỗi sợ duy nhất của các doanh nghiệp ngành nhôm.

Việc khủng hoảng thiếu năng lượng kéo dài ở châu Âu và Trung Quốc cũng như những biện pháp trừng phạt đối với nhôm của Nga đã làm giảm nguồn cung nhôm nguyên liệu, khiến giá cả thị trường biến động mạnh; biên độ dao động giá nhôm nguyên liệu trên sàn giao dịch London (LME) quý I/2023 lên đến 400 USD/tấn (tương đương gần 10.000 đồng/kg nhôm nguyên liệu) gây khó khăn cho các đơn vị trong hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh và gây nhiễu loạn giá cả thị trường.

Ở Việt Nam, sự suy giảm kinh tế toàn cầu và sự suy thoái của thị trường bất động sản trong nước đã khiến cho nhu cầu nhôm công nghiệp và nhôm xây dựng giảm mạnh.

Trong báo cáo VAA gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cuối tháng 5/2023, quý I, sản lượng sản xuất ở các nhà máy chỉ duy trì khoảng 30 - 40% công suất để phục vụ trong nước và xuất khẩu. Đầu quý II, sản lượng tiếp tục giảm xuống ngưỡng 20 - 25% công suất, lượng xuất khẩu chỉ đạt xấp xỉ 40% so với cùng kỳ năm 2022 do các đơn hàng đi Mỹ, EU giảm mạnh.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp trong ngành thì sức tiêu thụ của thị trường hiện nay còn chậm hơn cả giai đoạn chống dịch Covid19 (năm 2020-2021). Lượng hàng tồn kho tại các nhà sản xuất rất lớn (ước khoảng trên 100.000 tấn, đa số là nhôm xây dựng. Doanh thu sụt giảm khiến cho tình hình tài chính, dòng tiền của doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn.

Việc các nhà máy cắt giảm công suất, đã dẫn đến cắt giảm khoảng 40% việc làm, nhóm lao động sản xuất được cho nghỉ luân phiên, điều này làm giảm thu nhập trực tiếp của gần 40.000 lao động trong ngành.

Tuy nhiên, phải thấy rõ, khó khăn của ngành đã kéo dài khá lâu. Sản lượng của các nhà máy những năm qua chỉ đạt khoảng 60% công suất thiết kế (sản lượng khoảng 720.000 tấn trong khi công suất thiết kế các nhà máy lên đến 1.200.000 tấn/năm gây lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp và đất nước.

Nguyên nhân, theo VAA tự nhận định, do công nghệ cũ, chậm thay đổi, do năng lực điều hành sản xuất của doanh nghiệp còn kém và do nhu cầu thị trường không cao nên thiếu động lực đẩy mạnh sản xuất.

Trong khi đó, hai năm gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ Trung Quốc đang tìm kiếm các dự án chuyển nhượng hoặc dự án đầu tư mới để sản xuất nhôm định hình phục vụ thị trường Việt Nam và xuất khẩu nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá của nước ta (vụ AD05) và thuế phòng vệ thương mại của nhiều nước đang áp dụng đối với nhôm Trung Quốc.

Đặc biệt, VAA đang thực sự lo ngại trước việc một doanh nghiệp nhôm lớn của nước ngoài đang nghiên cứu đề xuất dự án đầu tư nhà máy nhôm tại Việt Nam với công suất dự kiến 150.000 tấn/năm.

“Nếu dự án này được thực hiện sẽ làm trầm trọng hơn việc dư thừa công suất ngành nhôm, đẩy các nhà sản xuất nhôm Việt đứng trước nguy cơ mất đi thị trường trong nước lần thứ hai, về lâu dài sẽ khiến các sản phẩm nhôm Việt bị đe dọa áp thuế chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại từ các thị trường lớn đang áp thuế nhôm Trung Quốc như Mỹ, Canada, Châu Âu…”, báo cáo của VAA gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Sự khủng hoảng của thị trường bất động sản trong nước cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu nhôm xây dựng vốn chiếm trên 80% tổng sản lượng các sản phẩm từ nhôm ở Việt Nam. Khó khăn thực tế đang bào mòn sức khỏe tài chính của doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng nói chung và ngành nhôm nói riêng.

Gửi văn bản tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VAA kiến nghị Bộ có ý kiến để các tỉnh, thành phố trên cả nước cần xem xét cẩn trọng hơn đối với các dự án FDI vào các dự án sản xuất nhôm tại Việt Nam, kể cả việc mua bán - chuyển nhượng hoặc góp vốn FDI vào các dự án hiện hữu của ngành nhôm. Hiệp hội đề xuất khi xem xét cấp phép cho các dự án này cần có ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ chuyên ngành, gồm công thương và Xây dựng, có thể tham khảo thêm ý kiến của Hiệp hội ngành hàng.

Trước mắt, Hiệp hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu tâm đến dự án 150.000 tấn/năm, vì nếu họ mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu thì sẽ né được thuế chống bán phá giá của Việt Nam và các doanh nghiệp để bảo vệ nền sản xuất trong nước những năm qua bị “đổ bể”, mất hiệu lực.

Về vấn đề này, Hiệp hội đã có văn bản báo cáo, kiến nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và địa phương để xem xét cẩn trọng dự án này. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đã có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 2617/VPCP-QHQT ngày 17/4/2023 giao các bộ, địa phương “nghiên cứu và chủ động có biện pháp xử lý phù hợp(kể cả kiến nghị sửa đổi các quy định quy phạm pháp luật liên quan nếu cần thiết), có hình thức thông báo phù hợp đến các cơ quan, địa phương liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề cần thiết, vượt thẩm quyền”.

“Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ của các bộ ngành, địa phương giúp cho các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay”, Chủ tịch VAA Nguyễn Minh Kế đề xuất, bên cạnh các giải pháp giảm thuế VAT 2% đến 2024, giảm thuế xuất khẩu cho nhóm sản phẩm nhôm dạng thanh, que và hình (mã HS 7604) về 0%, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp sản xuất, để doanh nghiệp tiếp cận được vốn hiệu quả...

Nguồn: https://baodautu.vn/mat-dien-khong-phai-la-noi-so-duy-nhat-cua-doanh-nghiep-nhom-d192152.html