Phấn đấu 100% huyện của Hà Nội hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2022

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận hội nghị

Cùng chủ trì hội nghị có đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, giai đoạn 2021-2025”.
15/18 huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU cho thấy, trong quý II-2022, Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy, UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các sở, ban ngành, các huyện, thị xã triển khai kế hoạch, thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU; tiến hành kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình tại huyện Sóc Sơn nhằm đánh giá tiến độ, kết quả chỉ đạo và tổ chức thực hiện xây dựng xã, huyện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2022; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.
Đến nay, Thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh và thị xã Sơn Tây. Các huyện Ứng Hòa, Ba Vì và huyện Mỹ Đức đang bám sát Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tiến hành hoàn thiện các tiêu chí huyện, phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.
Về xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện Đan Phượng đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trong năm 2022, huyện Đan Phượng đã đăng ký thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và đang rà soát, hoàn thiện hồ sơ theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận năm 2022. Toàn Thành phố đã có 382/382 (đạt 100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới; 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 5 xã thuộc huyện Đan Phượng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Về kết quả sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 21.454 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 2,39% so cùng kỳ. Trong đó, nông nghiệp 19.839 tỷ đồng, tăng 2,38%; lâm nghiệp 43 tỷ đồng, giảm 2,4%; thủy sản 1.572 tỷ đồng, tăng 2,67% so cùng kỳ 2021.
Trong quý II, Thành phố đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn trong điều kiện bình thường mới; số lao động tìm được việc làm tăng 37,8% so với quý I. Riêng trong tháng 6, Thành phố giải quyết việc làm cho 21,9 nghìn lao động trên địa bàn. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, Thành phố đã giải quyết việc làm cho trên 118,9 nghìn lao động, đạt 74,3% kế hoạch giao trong năm, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Về kết quả hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới của các quận, ừ năm 2021 đến quý II/2022, có 09 quận thuộc Thành phố đã hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí là 386,3 tỷ đồng. Trong đó Quận Tây Hồ đã bố trí hỗ trợ 5 huyện (Mỹ Đức, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Mê Linh, Phú Xuyên) với tổng kinh phí là 175,8 tỷ đồng, quận Thanh Xuân (75 tỷ đồng), quận Ba Đình (57 tỷ đồng), Hoàn Kiếm (31,9 tỷ đồng),...
Phấn đấu tăng trưởng ngành nông nghiệp từ 2,5-3%
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, trên cơ sở định hướng của Trung ương tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung rà soát lại để đưa vào nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo. 
Trong đó, cần tập trung hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp trong năm 2022 từ 2,5-3%; hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại 3 huyện còn lại (Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức) để đến hết năm 2022, 100% huyện của Hà Nội đạt huyện nông thôn mới; đồng thời hoàn thành mục tiêu xây dựng thêm 25 xã nông thôn mới nâng cao, 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU cũng đề nghị UBND Thành phố trong tuần tới hoàn thành rà soát và ban hành Bộ tiêu chí xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Chỉ đạo các sở, ngành ưu tiên nguồn lực cho nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu; nhất là các huyện, các xã đăng ký hoàn thành trong năm 2022; đồng thời tiếp tục nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, với phương châm xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc; đặc biệt tập trung cho các tiêu chí về trường chuẩn quốc gia, về nước sạch và vệ sinh môi trường.
Trong nhiệm vụ tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư. Cùng với đó, tập trung phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, tổ chức đánh giá, phân hạng ít nhất 400 sản phẩm OCOP mới.  
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị các quận tiếp tục nghiên cứu quan tâm hỗ trợ các huyện ngoại thành Hà Nội xây dựng nông thôn mới theo quy định, đặc biệt là các huyện còn nhiều khó khăn và các huyện phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới năm 2022.

Nguồn: https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/3/2852873/phan-au-100-huyen-cua-ha-noi-hoan-thanh-xay-dung-nong-thon-moi-trong-nam-2022.html