Ùn ứ nông sản tại Lạng Sơn: Cảnh sống người lái xe lái đường dài

Do mắc kẹt tại cửa khẩu biên giới Lạng Sơn cả tháng trời nên cuộc sống, sinh hoạt của hàng nghìn tài xế chở hàng chờ thông quan tại đây vô cùng thiếu thốn, vất vả và tốn kém.

Ăn ngủ ở bến bãi 

Tính đến thời điểm hiện tại, lượng hàng hóa tồn trên các cửa khẩu ở Lạng Sơn còn khoảng gần 5000 xe. Đa phần các mặt hàng trên xe là nông sản từ các tỉnh như Tiền Giang, Bình Định... chuẩn bị xuất khẩu sang Trung Quốc. Dọc quốc lộ 1A từ thành phố Lạng Sơn lên các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma (huyện Đồng Đăng) có nhiều điểm tập kết xe, tại đó, hàng nghìn chiếc container chở hàng hóa nông sản xếp hàng, trực chờ hàng chục ngày trời để đợi thông quan.

Hơn 4.200 xe ùn ứ cửa khẩu: Lạng Sơn giảm phí, cấp nước và mì cho tài xế - 1
Hàng nghìn xe container nằm chờ tại bãi hàng chục ngày nay để chờ đến lượt thông quan

Theo đó, các tài xế xe “công” cũng phải cắm chốt ngay tại bến, bến xe trở thành nơi ở, nơi sinh hoạt của hàng nghìn lái xe túc trực ngày đêm đợi tới lượt xuất biên. Theo các tài xế, mỗi ngày nằm chờ ở đây sẽ tốn thêm 1 triệu đồng chi phí bến bãi, dầu, sinh hoạt…

Nhiều tài xế đứng ngồi không yên vì hàng hóa vẫn chưa biết bao giờ mới được xuất đi. Mở thùng xe hàng để kiểm tra gần 30 tấn mít được vận chuyển từ Tiền Giang ra anh Lê Văn Thiện (lái xe người Tiền Giang) cho biết: "Tôi đã chờ ở đây 18 ngày rồi, với tốc độ thế này nhích lên đến cửa khẩu phải thêm gần chục ngày nữa. Tới lúc ấy hàng hóa sợ hỏng hết mất".

Cùng nỗi lo hàng hoá sẽ hỏng hết trước ngày giao, anh Nguyễn Văn Hiệp chạy xe từ Kiên Giang ra Lạng Sơn chia sẻ: “Suốt 10 ngày nay tôi thấp thỏm vì 20 tấn mít trên xe đang bắt đầu chín và chưa biết đến bao giờ mới được thông quan. Hàng ngày tôi đều phải mở thùng xe để xả bớt mùi”.

Hàng nghìn tài xế vạ vật sống qua ngày tại cửa khẩu Lạng Sơn khẩn thiết đợi thông quan - 3
Bãi đỗ xe trở thành nơi ăn ở, sinh hoạt của hàng nghìn tài xế. Họ sống vạ vật qua ngày cùng nỗi lo số hàng hóa nông sản không "trụ" được tới ngày được thông quan.

Vào bãi xe từ ngày 18/12 đến nay, anh Phạm Văn Hùng đến từ Quảng Bình cho biết: "Xe tôi mới vào bãi trung chuyển này được gần 1 tuần nay, trong bãi còn số lượng xe lớn đã nằm chờ hơn nửa tháng nay, chưa biết bao giờ mới đến lượt xe mình, hàng tôi chở là sầu riêng của Thái nên phải nổ máy liên tục 24/24h, mỗi ngày mỗi đêm mất 100 lít dầu khiến chi phí tăng lên rất nhiều”.

Cùng hoàn cảnh, anh Lê Văn Nam (quê Long An, chở hàng thuỷ sản cấp đông) đã hơn tuần nay ăn ngủ tại chỗ, đồng thời phải luôn kiểm tra container hàng tránh việc ngắt máy lạnh. " Mùa dịch Covid-19 đã khổ, nay mỗi ngày phải bù lỗ hơn 1 triệu để chạy máy lạnh thùng hàng và chi phí sinh hoạt cho lái xe, giờ quay đầu chạy về thì lỗ nặng hơn. Chúng tôi chỉ biết chờ. Đội lái xe dựa vào nhau mà sống, thức ăn chia sẻ cho nhau", anh Nam kể.

Hàng nghìn tài xế vạ vật sống qua ngày tại cửa khẩu Lạng Sơn khẩn thiết đợi thông quan - 6
Buổi tối, tài xế tự bật đèn xe, đèn flash điện thoại để sinh hoạt.

Hàng "quay đầu" - chấp nhận bán lỗ

Mỗi ngày có hàng chục xe ô tô chở mít, thanh long, sầu riêng buộc phải rời khu trung chuyển, bãi kiểm hóa đi ngược trở lại quốc lộ 1A, đến địa điểm nào rộng, có đông người thì đỗ lại, dỡ hàng xuống bán. Người dân địa phương quen gọi những hoa quả xuất khẩu phục vụ thị trường nội địa là hàng "quay đầu".

Ở thành phố Lạng Sơn có nhiều địa điểm bán trái cây xuất khẩu "quay đầu", nhưng đông nhất vẫn là khu vực bến xe phía Bắc và bãi đất nhà máy xi măng cũ. Người bán, kẻ mua khá nhộn nhịp. 

Ngồi bán mít ở khu vực bến xe phía Bắc, anh Vũ Văn Trung, 40 tuổi, quê Thái Bình là tài xế lái xe đường dài gần chục năm qua. Anh bảo, loại mít xuất khẩu này mua từ miền Tây nam bộ với giá trên 20 nghìn đồng/kg, mà nay bán sỉ với giá 10.000 đồng/kg (loại 1), 6.000 đồng/kg (loại 2). Vừa mất thời gian bán hàng vừa lỗ vốn vì khách ai cũng thích cân tươi.

Ùn ứ hàng xuất nhập khẩu qua biên giới: Bán đổ, bán tháo
Do chờ lâu, các mặt hàng nông sản đã bắt đầu hư hỏng, nhiều chủ hàng phải “xả” tại chỗ, một số chủ hàng chọn giải pháp quay đầu xe, chuyển tiêu thụ nội địa nhằm gỡ lại phần nào chi phí

Anh Trung tâm sự, gia đình có vợ, hai con luôn đau ốm lại không có công ăn việc làm ổn định. Cuộc sống trông cả vào công việc xuất nhập khẩu xuyên biên giới của anh. "Nhà tôi thuộc hộ nghèo. Mỗi khi vợ điện thoại lên hỏi thăm, tôi đều phải giấu vì vợ tôi hay suy nghĩ, lăn ra ốm thì khó khăn lại càng chồng chất", anh Trung nghẹn lời.

Chị Lương Thị Đằng, người Lạng Sơn bán hàng hoa quả xuất khẩu tâm sự: "Một xe ô tô này chứa hàng chục tấn hàng. Ngồi bán từng quả, từng cân thế này thì bao giờ mới giải phóng xong một xe hàng?. Thôi thì, mít quá chín, sắp đổ đi thì bán tháo, giá 6-7 nghìn/kg, xót của lắm em ạ. Cứ một xe container này là lỗ hơn 200 triệu đồng. Đó chưa kể những chi phí khác như tiền thuê lái xe, chi phí, lệ phí các loại. Đến nước này thì mất Tết đến nơi rồi", chị Đằng tâm sự.

Nắng chiều chợt tắt rất nhanh và màn đêm lạnh giá buông xuống. Những người lái xe đường dài lại nhanh chóng thu dọn hàng hóa lên xe đi về phía biên giới cùng với tâm trạng nặng trĩu âu lo…

Thảo Vũ

Nguồn: https://kinhdoanhvabienmau.vn/tin-tuc-su-kien/un-u-nong-san-tai-lang-son-canh-song-nguoi-lai-xe-lai-duong-dai/144-300-9202.kdbm