Việt Nam tiếp tục đón đơn hàng xuất khẩu trong năm 2022

Xuất khẩu cả năm 2021 sẽ đạt 331 tỷ USD

Diễn đàn Xúc tiến Xuất khẩu năm 2021 với chủ đề: "Xúc tiến xuất khẩu, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế" do Bộ Công thương tổ chức thường niên lần thứ 8 đã đề cập đến nhiều triển vọng tích cực về phục hồi kinh tế toàn cầu trong năm 2022, tiếp tục mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ công thương, Trần Quốc Khánh cho biết 2 năm qua là khoảng thời gian khó khăn của các ngành, trong đó hoạt động xúc tiến xuất khẩu bị hạn chế, nhưng, vượt qua khó khăn của dịch bệnh, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng cao, các chương trình xúc tiến xuất khẩu cũng được chuyển đổi để thích ứng với tình hình mới.

"11 tháng 2021, xuất khẩu đạt 301,7 tỷ USD, tăng trưởng 18,3% so với cùng kỳ năm 2020, dự kiến cả năm 2021 đạt 331,1 tỷ USD, tăng 17,2%", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh dự báo.

Tính đến hết tháng 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 602 tỷ USD tăng 22,8% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 11 tháng đạt 301,73 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 ước đạt khoảng 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020.

Trong điều kiện di chuyển quốc tế bị gián đoạn, ngành Công thương đã triển khai nhiều phương thức xúc tiến thương mại mới, tận dụng nền tảng số, doanh nghiệp đã khai thác được đơn hàng xuất khẩu từ hình thức xúc tiến thương mại mới này.

Cụ thể, năm 2020-2021, Bộ Công Thương và các bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp đã tổ chức trên 1.000 hội nghị xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế bằng hình thức trực tuyến, với trên 1 triệu phiên giao thương trực tuyến được thực hiện, hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt Nam đã được hỗ trợ xúc tiến thương mại với các đối tác trong và ngoài nước.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại khẳng định, các hoạt động xúc tiến thương mại đa dạng đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu tiết kiệm chi phí trong khi vẫn duy trì và phát triển tốt quan hệ với đối tác, hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa trong hoàn cảnh không thể thực hiện được các hoạt động xúc tiến thương mại theo phương thức trực tiếp.

Việt Nam có nhiều lợi thế xuất khẩu trong năm 2022

ông Bartosz Cieleszynsky, Bí thư Thứ Nhất/Phó Ban Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam
Ông Bartosz Cieleszynsky, Phó Ban Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam khuyên doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm xanh, sản phẩm hữu cơ để có giá xuất khẩu cao.

 

Đánh giá về triển vọng thương mại châu Á trong năm 2022-2023 và khuyến nghị với doanh nghiệp Việt Nam, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, Andrew Jeffries chỉ ra rằng, triển vọng phục hồi thương mại toàn cầu trong năm thứ 2 đại dịch, 2021 khá tích cực và nhanh hơn so với dự báo trước đó. Theo đó, 2022 sẽ là năm quan trọng, đặc biệt khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu.

Dựa trên phân tích của ADB, lĩnh vực phuc hồi nhanh sẽ là điện tử, hàng hóa liên quan tới phòng chống dịch bệnh như điện tử, vật tư, thiết bị y tế, máy móc thiết bị, đồ gỗ, dệt may, giày dép....

"Doanh nghiệp Việt Nam hãy nhanh chóng nắm bắt lấy cơ hội này để tận dụng lợi thế của quốc gia sản xuất lớn, đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, nâng cao chất lượng hàng hóa để tiến sâu vào nhiều thị trường lớn", Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nhấn mạnh.

Tất nhiên, do đại dịch chưa chấm dứt, nên thương mại phải chiu ảnh hưởng bởi chi phí vận tải tăng cao, thiếu hụt container rỗng... sẽ kéo dài đến 2023. Đại dịch cũng đẩy nhanh tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu khi xu hướng tập trung xây dựng lại mạng lưới sản xuất, đa dạng hóa đối tác cung ứng sẽ tiếp tục tiếp diễn trong năm 2022.

Đối với Việt Nam, việc hội nhập sâu rộng thông qua hệ thống 15 FTA đã được ký kết trong đó có nhiều FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA) sẽ là đòn bẩy đáng kể cho thương mại hàng hóa với nhiều thị trường lớn.

Ông Bartosz Cieleszynsky, Bí thư Thứ Nhất/Phó Ban Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8 năm 2020 đã trở thành một công cụ quan trọng trong việc hỗ trợ liên kết thương mại song phương của hai nền kinh tế.

Ông Bartosz Cieleszynsky lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam về sự cân bằng thương mại, tiến tới xuất nhập khẩu cân bằng giữa hai nước để phát triển bền vững. "Lượng hàng hóa xuất khẩu đi EU tăng mạnh trong khi doanh nghiệp châu Âu chưa bán được nhiều hàng hóa sang Việt Nam. Chi phí vận chuyển tăng cao trong đại dịch nhưng container từ EU về Việt Nam thường trống. Chỉ khi thương mại song phương tiến tới cân bằng thì bài toán về vận tải hàng hóa mới cơ bản được giải quyết".

Số liệu của Bộ Công thương, 11 tháng 2021, xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt 35,7 tỷ USD, tăng gần 12% trong khi nhập khẩu từ EU gần 15,6 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ.

 "EU đặt mục tiêu đặt mục tiêu giảm thiểu tác động môi trường, loại bỏ sản phảm gây ô nhiễm, tăng tiêu dùng sản phẩm hữu cơ. Quan trọng hơn, người tiêu dùng EU không chạy theo sản phẩm giá rẻ, họ đề cao chất lượng và yếu tố môi trường, do đó doanh nghiệp Việt Nam hãy đầu tư sản xuất theo hướng giảm thiểu carbon, sản phẩm thân thiện để có sự tăng trưởng bền vững tại EU, tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan do EVFTA mang lại", Bartosz Cieleszynsky nói.

Đối với ngành thủy sản, triển vọng xuất khẩu sẽ tốt hơn khi năm 2022 nhu cầu thực phẩm và thuỷ sản nói riêng sẽ tăng cao khi nhóm hàng khách sạn du lịch hồi phục.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đề nghị, để hỗ trợ ngành tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022, Bộ Công thương tái khởi động các hoạt động tổ chức tham gia hội chợ truyền thống đã bị gián đoạn.

"Không giống như các ngành khác có thể xúc tiến xuất khẩu qua nền tảng số, đặc thù của ngành thủy sản khi xúc tiến thương mại là phải để cho khách hàng trải nghiệm nếm thử sản phẩm, do đó, ngành thủy sản cần tham gia các hội chợ truyền thống", ông Nam cho hay.

Nguồn: https://baodautu.vn/viet-nam-tiep-tuc-don-don-hang-xuat-khau-trong-nam-2022-d157571.html