Xây dựng mô hình kinh tế, giúp dân xóa đói giảm nghèo

Cán bộ Đồn Biên phòng Ra Mai hướng dẫn bà Hồ Thị Bua, ở bản La Trọng 2, xã Trọng Hóa cách chăm sóc cây cam Khe Mây. Ảnh: Thành Phú

Cây cam bám rễ nơi miền biên viễn

Ông Hồ Thao, 47 tuổi, ở bản La Trọng 2, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa chia sẻ: “Gia đình mình được cán bộ Đồn Biên phòng Ra Mai hướng dẫn trồng 40 cây giống cam Khe Mây. Mới trồng được hơn 2 tháng nhưng cây phát triển rất tốt. Đây là lần đầu tiên gia đình mình trồng loại cam này. Mong sao, cây sẽ cho nhiều trái để bán được nhiều tiền, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống”.

Tháng 10-2021, cây cam Khe Mây được các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ra Mai phối hợp cùng cán bộ ngành nông nghiệp tại địa phương đưa vào trồng thí điểm rồi mới nhân rộng. Lý do chọn loại cam Khe Mây của vùng đất Hương Đô, Hương Khê, Hà Tĩnh để đưa về trồng tại đây chính là đặc điểm dễ trồng, không kén đất và cho năng suất cao, giá bán cao hơn so với những loại cây khác mà bà con đã trồng từ trước đến nay. Cây cam Khe Mây rất thích hợp với loại đất cát pha sỏi hay đất sét và đây cũng chính là loại đất chủ yếu tại 2 xã địa bàn Đồn Biên phòng Ra Mai phụ trách.

Chúng tôi đến nhà ông Hồ Tiệp, 46 tuổi, dân tộc Mã Liềng, ở bản Cà Xen, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa khi bóng chiều đã phủ phục xuống ngọn núi phía sau lưng bản, thế nhưng, ông Tiệp vẫn đang miệt mài chăm bẵm cho những cây cam trong trang trại của gia đình mình. Thấy chúng tôi xuất hiện, ông liền chia sẻ: “Cây cam phát triển tốt lắm. Có được vườn cam hơn 40 gốc như thế này, gia đình mình cảm ơn anh Nguyễn Thành Dũng, cán bộ Đồn Biên phòng Ra Mai nhiều lắm. Ngày nào anh Dũng cũng có mặt để hướng dẫn mình cách tưới nước, bón phân, tỉa cành, vì thế, mình biết được nhiều kỹ thuật để chăm sóc vườn cam”.

Hiện nay, trên địa bàn 2 xã Trọng Hóa và Thanh Hóa đã có 5 gia đình trồng cam Khe Mây, mỗi gia đình trồng từ 30-40 gốc. Với giá bán từ 50.000 đến 70.000 đồng/kg như hiện nay thì chỉ cần hơn 1 năm nữa thôi, những gia đình này sẽ có thêm khoản thu nhập không hề nhỏ để trang trải cuộc sống. Và đây cũng chính là những mô hình thực tế nhất cho bà con nơi đây học tập và làm theo.

Cây mít Thái “theo chân” nâng cao thu nhập

Không chỉ dừng lại ở việc đưa cây cam Khe Mây lên với bà con các dân tộc vùng cao của xã Trọng Hóa và Thanh Hóa, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ra Mai còn tìm tòi đưa thêm những giống cây ăn quả cho hiệu quả về kinh tế để bà con trồng, trong đó, có cây mít Thái. Đây là loại cây rất phù hợp với thổ nhưỡng, chịu được sự khắc nghiệt của khí hậu vùng cao và khá dễ trồng cũng như chăm sóc. Loại cây mít Thái có thời gian cho quả rất sớm, chỉ từ 12 đến 15 tháng là cây đã cho quả, khi đạt tuổi trưởng thành, mỗi cây sẽ cho từ 100 đến 150 quả, trọng lượng mỗi quả từ 6 đến 10kg. Chính vì thế, nếu phát triển tốt và có đầu ra ổn định thì đây sẽ là nguồn thu nhập tốt để bà con các dân tộc sớm thoát nghèo bền vững.

Trung tá Lê Quang Hà, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ra Mai cho biết: “Việc xây dựng mô hình và chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao là chủ trương và quyết tâm của cấp ủy, chỉ huy cũng như toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Để mô hình phát triển tốt, có “tuổi thọ” lâu dài, đem lại hiệu quả thiết thực và nâng cao thu nhập cho người dân, cấp ủy, chỉ huy đơn vị đã phân công cụ thể đảng viên phụ trách từng hộ gia đình, hướng dẫn họ từ kỹ thuật trồng cây đến việc làm cỏ, tỉa cành, tạo tán, diệt trừ sâu bệnh... theo cách làm “cầm tay chỉ việc” và dần chuyển giao kiến thức khoa học cho bà con tự chăm sóc trang trại của mình”.

Cũng giống như việc trồng cây cam Khe Mây, ban đầu, Đồn Biên phòng Ra Mai phối hợp với chính quyền địa phương lựa chọn gia đình ông Hồ Biên, ở bản Lòm, xã Trọng Hóa để trồng thí điểm 40 cây mít Thái. Không như những mô hình trước đây, việc trồng cây mít Thái được tính toán khá kỹ và có lộ trình phát triển theo kế hoạch từng năm. Từ kết quả của gia đình ông Hồ Biên, Đồn Biên phòng Ra Mai và chính quyền địa phương tổ chức cho bà con đến tham quan, học tập, rồi hỏi ý kiến những ai thích trồng loại cây này. Lúc ấy, đồn với xã sẽ liên hệ mua hộ cây giống, phân bón, rồi cử cán bộ kỹ thuật đến hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sản phẩm... Bên cạnh đó, đơn vị cũng tích cực liên hệ với các thương lái để tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa cho biết: “So với những mô hình trồng cây ăn quả trước đây thì mô hình trồng cam Khe Mây và cây mít Thái do Đồn Biên phòng Ra Mai triển khai cho bà con có nhiều cái mới mang tính bền vững. Đó là sự quản lý chặt chẽ, xuyên suốt từ việc trồng thí điểm, sau đó, ghi nhận nguyện vọng của bà con rồi mới nhân rộng. Đặc biệt, đơn vị đã cử cán bộ am hiểu về trồng trọt xuống trực tiếp hướng dẫn bà con tất cả các khâu... Với phương pháp như vậy, tôi rất tin tưởng mô hình trồng cam Khe Mây và mít Thái sẽ phát triển mạnh và trở thành cây chủ lực để người dân phát triển kinh tế bền vững”.

Nguyễn Thành Phú

Nguồn: https://www.bienphong.com.vn/xay-dung-mo-hinh-kinh-te-giup-dan-xoa-doi-giam-ngheo-post447048.html